Hà Nội ngập nặng sau trận mưa đầu mùa: Công tác quy hoạch “có vấn đề”?
- Pháp luật
- 18:19 - 02/06/2016
Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trận mưa đêm 24 rạng sáng 25/5, ở Hà Nội tuy ngắn, chỉ trong 3 tiếng nhưng tại một số quận huyện như Hà Đông lượng mưa lên tới 240 mm, cả đợt tới 374 mm. Các trạm đo trong nội thành đều ghi nhận lượng mưa rất lớn như: Cầu Giấy 277 mm, Thanh Liệt 252; Hoàng Quốc Việt 249; Ngã Tư Sở 228; Nam Từ Liêm 214, các nơi khác xấp xỉ 200 mm.
Người dân Thủ đô chắc hẳn rất khó quên trận mưa lụt lịch sử năm 2008, cũng đã gần chục năm, thế nhưng cho đến nay, sau trận mưa lụt kinh hoàng đó thì tình trạng ngập úng không được cải thiện mà ngày càng trầm trọng khiến người dân bức xúc. Vậy nguyên nhân do đâu mà suốt hàng chục năm qua, hạ tầng đô thị phát triển như vũ bão nhưng sau mỗi trận ngập lụt, các cơ quan chức năng cứ đổ lỗi cho nguyên nhân “do mưa to... vượt quá khả năng”.
Hàng loạt tuyến đường ở Hà Nội bị ngập nghiêm trọng sau trận mưa lớn đầu mùa.
Việc ngập nước nghiêm trọng nếu chỉ xảy ra trên các tuyến phố cũ đã đành, thế nhưng ở các khu đô thị mới lẽ ra phải có hệ thống hiện đại hơn thì lại bị ngập nặng hơn. Đặc biệt tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, nơi có các công trình hiện đại bậc nhất như tòa nhà Keangnam, khu đô thị Sudico Sông Đà, Bảo tàng Hà Nội,...
Về tình trạng này, ông Võ Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, trận mưa khiến toàn thành phố xuất hiện 35 điểm úng ngập, lượng mưa vượt quá năng lực thoát nước Hà Nội.
Còn theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân việc ngập úng ở Hà Nội chắc chắn không phải do địa hình, mà chính là do quy hoạch đô thị cũng như năng lực quản lý có vấn đề. Một nguyên nhân khác cũng giống như TP Hồ Chí Minh, đó là diện tích ao hồ, đất nông nghiệp bị thu hẹp để chuyển sang đất ở, các khu đô thị. Trước đây, Hà Nội có nhiều hồ điều hòa và diện tích đất tự ngấm, nhưng hiện tại, lòng đường, vỉa hè bị bê tông hóa, diện tích đất ao hồ bị thu hẹp, trong khi hệ thống thoát nước không được cải thiện mà còn xuống cấp, dẫn tới tình trạng ngập úng hễ khi trời mưa.
Trong khi đó, việc thoát nước ở Hà Nội cho đến nay vẫn chủ yếu dựa vào các sông, mương xả ra sông. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước mới chỉ được thiết kế phục vụ cho thoát nước thải sinh hoạt chứ chưa có hệ thống cống cỡ lớn để có thể dẫn nước nhanh khi xảy ra mưa lớn. Với những nguyên nhân trên mà trước mắt, cũng như trong một thời gian dài nữa, người dân Hà Nội vẫn phải chấp nhận sống chung với ngập úng, nhất là khi mùa mưa mới chỉ bắt đầu.
Được biết, để giải cứu khu vực trung tâm thủ đô khi mưa lớn, Hà Nội đã quy hoạch và cho triển khai dự án thoát nước giai đoạn 2. Dự án được giao cho Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội khởi động từ năm 2008 với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, thời gian hoàn thành vào tháng 12/2015. Tuy nhiên, quá trình triển khai chậm nên Hà Nội đề xuất và được đối tác Nhật Bản chấp thuận giãn tiến độ, kết thúc dự án ngày 30/6/2016.