Hà Nội: Lần đầu áp dụng phương thức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:28 - 18/02/2019
Năm học 2019-2020 là năm đầu tiên TP Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.
Mỗi học sinh được đăng ký hai nguyện vọng vào lớp 10 công lập
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội về những quy định liên quan đến công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020, theo đó, mỗi học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được đăng ký hai nguyện vọng vào lớp 10 trung học phổ thông công lập. Tuy nhiên, học sinh cần lưu ý, hai nguyện vọng này phải nằm trong cùng một khu vực tuyển sinh. Ngoài ra, học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào lớp chuyên của các trường trung học phổ thông: Chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây.
Năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên TP Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập thay cho phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển đã được thực hiện nhiều năm qua. Kỳ thi dự kiến được tổ chức trong hai ngày 2 và 3/6/2019 với bốn bài thi độc lập, gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ và bài thi thứ tư. Trong đó bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật. Thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở. Sở GD&ĐT sẽ công bố bài thi thứ tư vào tháng 3/2019.
Tỷ lệ học sinh vào lớp 10 các trường công lập chiếm khoảng 62%
Theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập năm học 2019 - 2020 chiếm khoảng 62% trong tổng số 101.500 học sinh dự kiến sẽ tham gia xét tốt nghiệp trung học cơ sở. Như vậy, sẽ có khoảng 63.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ được tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập. Số học sinh còn lại được phân bổ vào các trường trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính, trường trung học phổ thông ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Ngoài ra, do Hà Nội phân chia thành các khu vực tuyển sinh, học sinh ở khu vực nào được đăng ký nguyện vọng (NV) 1, NV2 vào khu vực tuyển sinh đó. Lựa chọn NV nào là quyền của thí sinh nhưng để đảm bảo khả năng đỗ thì cần tham khảo điểm tuyển sinh của các năm trước cũng như cân nhắc để thuận tiện việc đi lại. Mặc dù theo tỷ lệ là có 60% học sinh được học trường công, tuy nhiên tỷ lệ này tính chung toàn Hà Nội. Trong khi đó, các trường ngoại thành có điểm tuyển sinh vào lớp 10 thấp, tỷ lệ vào trường có khi là 100%. Các trường trong nội thành thường có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 đông hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh nên học sinh không còn cách nào khác là tăng cường học thêm để nhằm tìm kiếm một suất vào trường công lập.
Một lưu ý nữa, bắt đầu từ năm 2019, trong kỳ thi vào lớp 10, thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích bao gồm, điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS và cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa. Thêm vào đó là việc không xét học bạ nên tất cả phải dựa vào điểm học lực thật. Các trường căn cứ vào diện ưu tiên (đúng quy định) của học sinh để xác định điểm cộng thêm cao nhất là 1,5 điểm và thấp nhất là 0,5 điểm. Thí sinh có nhiều tiêu chuẩn ưu tiên chỉ được hưởng theo tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất.
Các đối tượng được ưu tiên cộng điểm Cộng 1,5 điểm cho một trong các đối tượng: Con liệt sĩ; con thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”. Cộng 1,0 điểm cho một trong các đối tượng: Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động; con thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động dưới 81%; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”; con của người bị nhiễm chất độc hóa học; người dân tộc thiểu số (hoặc người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số) và đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Cộng 0,5 điểm cho một trong các đối tượng: Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số; người đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn (vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn được quy định tại Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ). |