Hà Nội, học sinh lớp 12 làm quen khảo sát chất lượng trực tuyến
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:25 - 31/10/2020
Năm học 2019 - 2020, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study, học tập qua internet giúp việc ôn luyện kiến thức cho HS một cách chủ động, tự giác.
Theo đó, ngành cũng đã tổ chức triển khai khảo sát chất lượng cho 74.000 HS lớp 12 bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống Hanoi Study. Việc khảo sát trực tuyến không chỉ giúp cho HS làm quen với cách học và thi mới, mà còn giúp cho GV, cán bộ quản lý có được thông tin, đánh giá khách quan về học lực của từng HS.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, các đợt khảo sát được tổ chức nhằm góp phần chuẩn bị tốt nhất cho HS lớp 12 toàn thành phố về kiến thức, kỹ năng phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Qua 2 đợt khảo sát trực tuyến có trên 99,5% HS tham gia làm bài và nộp bài thành công. Tỷ lệ tham gia khảo sát, nộp bài thành công cao đã phản ánh sự quan tâm của phụ huynh, sự tham gia tích cực của HS đối với việc khảo sát.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để triển khai khảo sát trực tuyến, Sở đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) tổ chức kiểm tra khảo sát chất lượng đối với lớp 12 THPT và Giáo dục thường xuyên trên phần mềm Hanoi Study. Theo đó, các bài kiểm tra khảo sát được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan. HS làm bài khảo sát tại nhà, ngoài giờ học trên lớp và đề nghị cha mẹ HS là người giám sát việc làm bài của các em.
Mục đích của kỳ khảo sát là thông qua bộ đề khảo sát chung trong toàn thành phố, HS tự giác làm bài kiểm tra, tự đánh giá năng lực của bản thân, từ đó rèn luyện năng lực tự học, tự đánh giá bản thân. Phối hợp với gia đình trong việc quản lý, giáo dục HS về thái độ, động cơ và ý thức học tập, rèn luyện, thông qua kết quả khảo sát, gia đình HS thấy được điểm mạnh, điểm yếu của các em trong từng môn học, từ đó có biện pháp phối hợp với nhà trường, giáo viên khắc phục. Đồng thời giúp cho các cấp quản lý giáo dục có dữ liệu để phân tích, đánh giá kết quả học tập của HS, thấy rõ vùng kiến thức HS còn yếu, kỹ năng còn thiếu trong từng môn học, để từ đó có giải pháp tổ chức dạy học, đảm bảo chất lượng giáo dục, đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.