CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:51

Hà Nội: Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tự chủ trong giáo dục

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp (tăng 70 trường so với năm học 2017-2018) với hơn 58.400 nhóm lớp và gần 2 triệu học sinh. Trong đó, trường công lập có gần 44.000 nhóm lớp với hơn 1,7 triệu học sinh; trường tư thục có hơn 14.500 nhóm lớp với hơn 256.000 học sinh (tăng hơn 90.000 học sinh so với năm học trước). Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục của thành phố là hơn 155.000 người.

Theo ông Chử Xuân Dũng, chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển; việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học. Giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải quốc gia năm 2019... 

Năm học 2017-2018, Hà Nội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng...

Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố còn gặp một số khó khăn như: việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đang gặp khó khăn về kinh phí, quỹ đất trong khi sĩ số học sinh tăng nhanh (sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, số học sinh tăng 41%, nhưng số phòng học chỉ tăng 35%-36%).

 

Bí thư Hà Nội yêu cầu ngành giáo dục thành phố cần tích cực lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận xã hội


Ghi nhận kết quả của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đạt được trong thời gian qua, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tập trung thực hiện chiến lược lấy con người làm trung tâm phát triển, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cần bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển giáo dục của Trung ương, thành phố; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với giáo dục; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tích cực lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận xã hội, từ đó gạn lọc, tiếp thu và điều chỉnh chính sách giáo dục và đào tạo cho phù hợp. Đồng thời, tăng cường đổi mới công tác thông tin truyền thông để tạo ra sự đồng thuận; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo phục vụ nhu cầu phát triển, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành.

Theo Bí thư Hà Nội, ngành giáo dục Hà Nội cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh; có giải pháp đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Sở tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh sai phạm; rút kinh nghiệm, khắc phục kẽ hở dẫn đến sai phạm. Đặc biệt, dân chủ trong nhà trường cần được phát huy, vì những việc nảy sinh trong các trường vừa qua chủ yếu liên quan đến hạn chế về năng lực quản lý và thực hành dân chủ. 

Về vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục, theo Bí thư Hoàng Trung Hải, đây là vấn đề khó, nhưng Hà Nội phải đi đầu, cần có sáng kiến, sáng tạo để tháo gỡ. Do đó, Sở chủ động nghiên cứu, đề xuất các mô hình quản lý, tham mưu để thành phố báo cáo, đề xuất với các bộ, ngành trung ương. 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh