Hà Nội: Đặt mục tiêu giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025
- Dược liệu
- 11:37 - 13/10/2021
Theo kế hoạch, trong 10 năm tới, UBND thành phố sẽ tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Trong đó, chỉ tiêu về giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích của trẻ em, thành phố phấn đấu: Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 100/100.000 trẻ em và 80/100.000 trẻ em vào năm 2030; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 10/100.000 trẻ em và 8/100.000 trẻ em vào năm 2030.
Hằng năm, Thành phố phấn đấu giảm ít nhất 5% trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ; giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030; đạt ít nhất 75% ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” vào năm 2025 và 80% vào năm 2030; 100% trường học đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn” vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; 150 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030…
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nên UBND thành phố giao các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu được xác định trong kế hoạch thuộc các đối tượng và lĩnh vực của ngành. Bên cạnh tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng, thực hiện mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, “Ngôi nhà an toàn” tại một số đơn vị có nguy cơ cao.
UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đặc biệt chú trọng triển khai xây dựng môi trường an toàn, thực hiện các biện pháp kiểm soát, giảm tai nạn, thương tích trẻ em; tăng cường kiểm tra, phát hiện, giám sát, cảnh giới, gia cố, cải tạo các khu vực thường xảy ra tai nạn thương tích hoặc khu vực có nguy cơ cao gây tai nạn, thương tích cho trẻ em trên địa bàn…