Hà Nội đặt mục tiêu 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp vào năm 2025
- Y học 360
- 23:44 - 07/06/2021
Mới đây (3/6), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030. Kế hoạch nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Về mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em, TP. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đạt 85% tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, và 90% vào năm 2030; tỷ lệ trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo độ tuổi đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030…
Đến năm 2025, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 7,3%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 12%, khống chế tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì xuống dưới 10% (khu vực nội thành), 5% (khu vực ngoại thành), tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine đạt ít nhất 97% vào năm 2025 và ít nhất 98% vào năm 2030; 98% trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine vào năm 2030; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào năm 2030; phấn đấu 100% cơ sở giáo dục cho trẻ em có công trình vệ sinh vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
đến năm 2025, TP. Hà Nội đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em dưới 1% và duy trì đến năm 2030, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
Đến năm 2025, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em dưới 1%, tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên (tính đến 17 tuổi) dưới 1% vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống 100/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 80/100.000 vào năm 2030; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống còn 10/100.000 trẻ em vào năm 2025 và xuống còn 8/100.000 trẻ em vào năm 2030.
Phấn đấu 100% trẻ em gặp thiên tai, thảm họa được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời. Giảm bình quân 3%/năm số cặp tảo hôn và không có số cặp kết hôn cận huyết thống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đến năm 2025 và duy trì đến năm 2030, phấn đấu ngăn chặn, cơ bản không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; 100% trường học có văn phòng tư vấn và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho trẻ em. Tỷ lệ trường học có cơ sở hạ tầng, tài liệu học tập phù hợp với học sinh, sinh viên khuyết tật đạt ít nhất 55%; tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 80% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030...
Phấn đấu 85% trẻ em được nâng cao kiến thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình, hoạt động thức đẩy quyền tham gia của trẻ em đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
Để thực hiện kế hoạch, UBND TP. Hà Nội đề ra những giải pháp như xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu xây dựng mạng lưới, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Uu tiên đầu tư phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111), các dịch vụ của Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội (điện thoại 02433.525.662) để mọi người dân và trẻ em liên hệ khi có nhu cầu cần được tư vấn, can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em hoặc thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, vi phạm quyền trẻ em…