Phường Yên Phụ (Hà Nội): Cưỡng chế công trình không phép, phường “tiện tay” thu hồi đất
- Pháp luật
- 15:12 - 08/02/2015
Cưỡng chế nhầm đối tượng
Ngày 19/1/2015 UBND phường Yên Phụ có quyết định số 13/QĐ- UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng tại đầu ngách 54/76 An Dương, phường Yên Phụ, do công trình trên xây dựng không phép. Chủ đầu tư công trình xây dựng vi phạm được xác định là bà Lại Thị Hiệp có địa chỉ tại số 18 An Dương, phường Yên Phụ.
Sau khi có quyết định cưỡng chế trên, ngày 28/1/2015, thương binh Vũ Tiến Ngọc đã có đơn gửi đến UBND phường Yên Phụ, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cùng các cơ quan báo chí, đề nghị UBND phường Yên Phụ xem xét lại quyết định trên bởi công trình xây dựng (túp lều) và diện tích đất tại ngách 54/76 An Dương trên là thuộc quyền sở hữu của ông. Bà Hiệp chỉ là người thuê lại công trình trên để bán hàng nước.
Cưỡng chế công trình vi phạm TTXD không phép, phường "tiện tay" cưỡng chế thu hồi đất
Mặt khác, theo đơn kêu cứu của thương binh Vũ Tiến Ngọc thì công trình trên được hình thành trước đó đã rất lâu. Cụ thể: Khi năm 2010, ông Ngọc nhận chuyển nhượng 223,4 m2 đất tại địa chỉ trên từ ông Hoàng Phú Nghĩa có hộ khẩu thường trú tại tổ 47, cụm 7, phường Yên Phụ đã có “túp lều” này. Do đó, việc quyết định số 13/QĐ- UBND của UBND phường Yên Phụ căn cứ trên quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng số 09/QĐ- UBND ngày 15/1/2015 là hoàn toàn không có cơ sở. Nếu có, thì việc xử phạt đối với công trình vi phạm trên đã hết thời hiệu theo luật xử lý vi phạt hành chính.
Tuy nhiên, ngày 6/2/2015 UBND phường Yên Phụ vẫn tiến hành cưỡng chế công trình trên khi chưa xem xét thấu đáo những kiến nghị của ông Ngọc.
Cưỡng chế ngoài quyết định
Theo quyết định cưỡng chế số 13/QĐ- UBND thì việc cưỡng chế công trình trên là do có hành vi xây dựng không phép. Tuy nhiên, trên thực tế mà phóng viên ghi nhận tại hiện trường (6/2) thì sau khi cưỡng chế công trình thì UBND phường “tiện tay” thu hồi luôn mảnh đất trên của ông Ngọc trước sự ngõ ngàng của chủ sử dụng đất và nhân dân tại khu vực trên.
Lý giải về sự “tiện tay” trên ông Hoàng Mạnh Khương, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho rằng: Mảnh đất trên là thuộc quyền quản lý của UBND thành phố Hà Nội. “Do đó, việc sau khi cưỡng chế công trình chúng tôi rào lại khu vực đất trên để quản lý là hoàn toàn đúng luật”, ông Khương khảng định.
Thương binh Vũ Tiến Ngọc
Theo ông Khương, mảnh đất 223,4m2 thuộc ngách 54/76 An Dương, phường Yên Phụ thuộc khu vực đất 16 ha trên trước đây thuộc Công ty Khai thác cát Hà Nội, sau khi nhà nước không cho Công ty Khai thác cát Hà Nội quản lý và sử dụng nữa thì nhân dân nơi đây ra lấn chiếm để sử dựng và UBND thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản thu hồi khu đất trên. Tất cả việc chuyển nhượng giữa các cá nhân là trái pháp luật.
Xem ra lý giải của ông Khương là khó thuyết phục đối với người dân. Bởi nếu là đất lấn chiếm, mua bán trái pháp luật thì công trình vi phạm trên phải được xử lý theo lỗi “công trình xây dựng trái phép” chứ không phải là “công trình xây dựng không phép”.
Mặt khác, theo phản ánh của ông Ngọc và quan sát của phóng viên tại hiện trường thì bên cạnh công trình và mảnh đất của ông Ngọc còn rất nhiều công trình xây dựng khác nằm trong diện tích khu vực 16ha, tuy nhiên nhưng công trình đó lại không bị xử lý.
Từ thực tế trên người dân không thể không đặt câu hỏi: Việc cưỡng chế liệu có dấu hiệu “bất thường” trong việc thực thi công vụ của UBND phường Yên Phụ?. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ, UBND phường Yên Phụ cần xem xét khiếu lại trên của ông Ngọc một cách thấu đáo đúng pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng như vấn đề quản lý đất đai và xây dựng trên địa bàn phường Yên Phụ./.