Hà Nội: Con dâu mắc nợ khiến cha mẹ già phải bỏ nhà mặt phố vì bị khủng bố
- Pháp luật
- 18:06 - 18/06/2020
Sáng 18/6, theo ghi nhận của chúng tôi trước khu vực nhà số 47A đường Láng (phường Ngã Tư sở, quận Đống Đa) vẫn đang trong tình trạng bốc mùi hôi thối nồng nặc, rất khó chịu, nhiều vết sơn, chất bẩn vẫn đang bám trên tường và khu vực lối đi chung.
Hàng xóm bức xúc vì bị ảnh hưởng của chất bẩn từ bên cạnh.
Chị T. hàng xóm cho biết, ngôi nhà số 47A của hai ông bà đã lớn tuổi trước đây bán hàng ăn. Tuy nhiên, hơn nửa năm nay, ngôi nhà này bị những người lạ mặt thường xuyên ném chất bẩn, gây sức ép để đòi nợ, khiến chủ nhà không chịu nổi nên đã phải nghỉ bán hàn và bỏ đi.
"Dù chủ nhà không còn ở đây nhưng kẻ lạ mặt vẫn ném chất bẩn, ảnh hưởng sang những nhà xung quanh khiến chúng tôi không chịu nổi nên phải ý kiến, mong chính quyền và cơ quan pháp luật vào cuộc để ngăn chặn", người hàng xóm kể.
Còn ông M. cùng ở hàng xóm kể: "Bọn ném chất bẩn không theo quy luật nào, có lúc đang nửa đêm có tiếng động như mưa rào, nhìn sang thì thấy chất bẩn phủ kín phía trước. Đêm nào chúng tôi cũng nơp nớp lo sợ và xác định sáng ngủ dậy hô hào xung quanh dọn dẹp. Người dân chúng tôi ở đây rất hoang mang, vì những kẻ lạ mặt ném chất bẩn có thể nguy hại đến sức khỏe, hoặc không đề phòng thì rất có thể mình bị lĩnh luôn những túi chất bẩn này vào người".
Nói về nguyên nhân, một người trong gia đình chủ nhà cho biết: "Con dâu nợ của rất nhiều nhóm khác nhau, nhiều lần anh em phải đứng ra gánh cho, tuy nhiên vẫn không thể giải quyết hết. Do bị chủ nợ gây sức ép nên con dâu và con trai mỗi người một phương, gia đình bây giờ không biết làm cách nào. Thậm chí gần đây, những chủ nợ tìm đến tận nhà những người quen trong gia đình để ném chất bẩn giống như chỗ này", một người thân của gia chủ thông tin.
Nhiều hàng xóm cho biết, hôm nay, họ sẽ làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng can thiệp để giữ gìn an ninh trật tự và ổn định cuộc sống.
Một số hình ảnh ghi nhận về sự kêu cứu từ hàng xóm.
Cần xử lý triệt để tội phạm ném chất bẩn vào nhà dân
Vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ việc nhà dân bị các đối tượng xấu ném chất bẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Theo cơ quan công an, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ném chất bẩn vào nhà dân thường xuất phát từ việc vay nợ, đòi nợ, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong sinh hoạt…
Các đối tượng gây án thường được thuê đi ném chất bẩn và ra tay rất "thất thường", không cố định. Loại tội phạm này dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, gây ức chế về mặt tinh thần và là nguồn cơn gián tiếp dẫn đến những vụ trọng án khi bức xúc bị đẩy lên đỉnh điểm.
Chuyên gia tội phạm cho rằng, để ngăn chặn hiệu quả tội phạm đổ chất bẩn nói chung và tội phạm đổ chất bẩn liên quan "tín dụng đen", về mặt phòng ngừa xã hội, công an phụ trách địa bàn cần tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền tại các tổ dân phố, đến từng hộ dân về phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này.
Người dân không vay tiền với lãi suất vượt mức mà pháp luật quy định; kịp thời thông tin cho cơ quan công an khi bị đối tượng cho vay lãi uy hiếp, đe dọa, khủng bố; lắp camera tại nhà để ghi lại hình ảnh các đối tượng đến nhà đòi nợ hoặc đổ chất bẩn (nếu có).
Ðối với những địa bàn xảy ra tình trạng ném chất bẩn, cần tăng cường công tác bố trí lực lượng tuần tra, mật phục tại một số địa điểm để ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đối tượng phạm tội. Ðặc biệt, đối với những vụ việc ném chất bẩn, cần điều tra rõ về các mối quan hệ, vấn đề vay nợ hoặc mâu thuẫn của bị hại nhằm tìm ra nguyên nhân tận gốc của vấn đề, có như vậy, việc ngăn chặn tội phạm ném chất bẩn mới hiệu quả.
Thực tế hiện nay, hoạt động đòi nợ thuê đang diễn biến phức tạp. Một số không nhỏ các công ty đòi nợ thuê bị các băng đảng giang hồ núp bóng, sử dụng nhân viên là những đối tượng từng "vào tù ra tội" dẫn đến hành vi đòi nợ trái quy định pháp luật.
Trước đó, chiều 17/6, với 90,27% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trong Luật Đầu tư (sửa đổi).
Tại phiên họp, 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội bấm nút đồng ý cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại điểm h khoản 1 Điều 6; chỉ có 2,69% tổng số đại biểu đồng ý cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Như vậy, với 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" chính thức không được phép hoạt động.
Sau đó, với 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý, Quốc hội đã thông qua toàn bộ Luật Đầu tư (sửa đổi).