THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:27

Hà Nội: Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp

Những tín hiệu đầu tiên

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội) quyết định dành riêng một phiên lưu động tại huyện Đông Anh nhằm giúp NLĐ không phải di chuyển xa và có nhiều lựa chọn tìm việc tại các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết, phiên giao dịch thí điểm để làm căn cứ tiếp tục thực hiện tại các huyện, thị khác. Sở dĩ có phiên lồng ghép này cũng theo bà Liễu, nhằm tạo điều kiện cho người lao động nói chung và đặc biệt là lao động hưởng BHTN có cơ hội tìm được việc làm ổn định, giúp cho học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận thị trường lao động và tìm được nơi thực tập thích hợp. Hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh có nhu cầu lớn về cung lao động, trong khi đó số lao động thất nghiệp tại địa bàn này khá đông. Kết quả khảo sát trước đó của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, trên địa bàn huyện Đông Anh có 700 lao động hưởng BHTN chưa tìm được việc làm lại.      

Đăng ký BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hà Nội.

  Tại phiên giao dịch với sự tham gia của 35 doanh nghiệp tuyển dụng, 330 lao động có nhu cầu tìm việc làm (trong đó 220/330 lao động hưởng BHTN có trình độ sơ cấp nghề và lao động phổ thông, chiếm 67% tổng số người hưởng BHTN có nhu cầu tìm việc; 90/330 lao động hưởng BHTN có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề, chiếm 27% tổng số lao động hưởng BHTN có nhu cầu tìm việc). Đáng nói, trong  20/330 lao động thất nghiệp có trình độ đại học, chiếm 06% tổng số lao động hưởng BHTN có nhu cầu tìm việc làm. Công việc họ mong muốn là quản lý, kế toán, kỹ thuật... Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng khác như: Lao động tự do, chưa tìm được việc làm, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện Đông Anh và các khu vực lân cận đã đến tham gia tìm việc, học nghề... tại phiên giao dịch.

Chị Thu Quỳnh, cựu nhân viên của một công ty may cho biết, chị đã được một doanh nghiệp ngành giải khát tuyển thẳng với mức lương khá. “Thời điểm cuối năm tìm được việc làm như ý quả là may mắn với tôi”- chị Quỳnh bày tỏ niềm vui. Tương tự, một số lao động đã tìm được việc làm ở các vị trí công nhân, quản lý, kế toán... Theo đánh giá, dù có 61 lao động tìm được việc làm ngay tại phiên giao dịch, nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng.

Chú trọng dạy nghề cho người lao động

Bà Vũ Thị Thanh Liễu cho hay: Từ đầu tháng 2/2015, Quyết định 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học nghề đối với lao động tham gia BHTN có hiệu lực, quy định mức hỗ trợ học nghề đối với lao động tham gia BHTN tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Quá trình triển khai, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã triển khai đào tạo 5 nghề chính thức: Nấu ăn, pha chế đồ uống, may công nghiệp, tin học văn phòng, sửa chữa xe máy... thu hút hơn 300 học viên tham gia. Không ít người trong số họ đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, hoặc tự làm chủ cơ sở của riêng mình với mức thu nhập ổn định.

Theo các chuyên gia, định hướng hỗ trợ học nghề theo chính sách BHTN đã được quy định trong Luật Việc làm từ đầu năm 2015 với nhiều điểm mới. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ BHTN cho người lao động theo phương châm “Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn... Sau gần một năm triển khai chế độ BHTN theo Luật Việc làm, thống kê cho thấy mới có hơn 450 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 444.954 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, số được tư vấn giới thiệu việc làm là 387.338 người; số được hỗ trợ học nghề là 21.142 người). So với những năm đầu thực hiện chế độ BHTN, con số này đã tăng lên rất nhiều.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Nguyễn Toàn Phong cho rằng: “Cần hướng người lao động vào việc hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm, việc nhận hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp chỉ là một trong những quyền lợi của người lao động. Vì đây vẫn là nguồn lực lao động quan trọng cần có những biện pháp hỗ trợ để họ sớm quay trở lại thị trường lao động”. Cùng với việc giải quyết chế độ BHTN cho người lao động, được biết Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã chú trọng cho công tác giới thiệu việc làm thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm thường xuyên, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và thực tế tại trung tâm, tỷ lệ người thất nghiệp đăng ký xin học nghề tăng hằng năm.

Để chính sách BHTN được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, được biết Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH nói chung và BHTN nói riêng tới từng lao động, người sử dụng lao động với nhiều hình thức phong phú, phù hợp cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHTN nhằm phát hiện những vướng mắc, những vi phạm hay trục lợi BHTN để kịp thời xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng chế độ BHTN. Đồng thời, xây dựng các mô hình chuẩn hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt việc kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động hoặc tư vấn học nghề để hỗ trợ lao động nâng cao tay nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay trở lại thị trường lao động. 

VĂN LÝ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh