Hà Nội: Chủ động phòng ngừa TNLĐ, BNN trong tình hình mới
- Bài thuốc hay
- 14:12 - 15/01/2021
Năm 2020, Hà Nội chịu tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh (SXKD), dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của công nhân lao động (CNLĐ). Cụ thể, có 4.204 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 với hơn 165 nghìn người lao động chịu tác động, mất hoặc thiếu việc làm, trong đó có 1.049 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động. Tình hình trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai và kết quả thực hiện công tác ATVSLĐ trên địa bàn Hà Nội nói chung và trong các cấp Công đoàn Thủ đô nói riêng.
Trước tình hình đó, Thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn lao động, phòng chống tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) và phòng chống cháy nổ trên địa bàn.
Các công đoàn cấp trên cơ sở đã tổ chức tập huấn công tác ATVSLĐ cho cán bộ CĐCS vào cuối quý II/2020. Các CĐCS đã phối hợp với NSDLĐ tổ chức hơn 100 lớp tập huấn cho khoảng 15 nghìn lượt cán bộ công đoàn, mạng lưới ATVSV và NLĐ tại cơ sở. Theo báo cáo của các công đoàn cấp trên cơ sở, do không còn trong thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội, nên trong tháng 5/2020, đã có 32 CĐCS và 03 công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức thành công hội thi ATVSV giỏi với 976 NLĐ trực tiếp tham gia, hình thức thi chủ yếu là thi trực tiếp trên máy tính hoặc thi viết... Các cuộc thi đã góp phần nâng cao kiến thức về ATVSLĐ cho các ATVSV để từ đó thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ tại đơn vị, doanh nghiệp, góp phần tích cực vào công tác phòng chống TNLĐ, BNN tại đơn vị, doanh nghiệp.
Trên toàn thành phố, mạng lưới ATVSV được thành lập ở 2.738 doanh nghiệp với trên 33.200 ATVSV. Các CĐCS đã tổ chức chỉ đạo mạng lưới hoạt động có hiệu quả, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động trong công tác ATVSLĐ. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt làm công tác ATVSLĐ ở cơ sở, thường xuyên có các kiến nghị và đề xuất các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo chế độ chính sách đối với NLĐ như: chế độ về TNLĐ, BNN, khám sức khỏe định kỳ, bồi dưỡng độc hại, cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân, huấn luyện ATVSLĐ…
Năm 2020, số vụ TNLĐ nghiêm trọng (có người tử vong) ở Hà Nội tăng 01 vụ, số người chết giảm 01 người, số người bị thương nặng tăng 16 người so với năm 2019. Các vụ TNLĐ chủ yếu vẫn do ngã cao trong ngành xây dựng, ngành cơ khí, lắp ráp, điện, chiết nạp gas… Theo thống kê từ các CĐCS, tổng số người bị bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2020 là 50 người
Nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống TNLĐ, BNN trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, LĐLĐ thành phố đã tham gia đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố kiểm tra 56 đơn vị, doanh nghiệp về việc thực hiện công tác ATVSLĐ - PCCN (trong đó có một số đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ huấn luyện và kiểm định kỹ thuật ATVSLĐ) và 10 Ban chỉ đạo của các quận, huyện về việc chỉ đạo thực hiện công tác ATVSLĐ - PCCN tại địa phương và kiểm tra thực tế tại 10 doanh nghiệp trên địa bàn. Các nội dung kiểm tra đơn vị, doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào việc sử dụng, quản lý các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ như: thang máy, nồi hơi, nồi hấp, bồn chứa gas, kỹ thuật an toàn điện, công tác huấn luyện cho CNLĐ…
LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở đã phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức thanh, kiểm tra khoảng hơn 400 đơn vị, doanh nghiệp về việc thực hiện các quy định của nhà nước về công tác ATVSLĐ – PCCN. Qua kiểm tra, phát hiện nhiều lỗi thiếu sót, tồn tại và vi phạm quy định pháp luật. Các đoàn kiểm tra đã kiến nghị đơn vị, doanh nghiệp khắc phục ngay thiếu sót tồn tại; yêu cầu tạm đình chỉ các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ chưa được kiểm định an toàn; lập biên bản đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện ra quyết định xử phạt những lỗi vi phạm nghiêm trọng.
Có 5.625 CĐCS đã thực hiện công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ - PCCN, có khoảng 8 nghìn kiến nghị với NSDLĐ về các nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động và yêu cầu bổ sung ngay các nội quy, quy trình làm việc an toàn. Ngay sau khi có kiến nghị, có 3.615 nội quy, quy trình làm việc an toàn được bổ sung, số còn lại các đơn vị đã khắc phục đúng theo cam kết với các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, việc phát hiện các thiếu sót, tồn tại và vi phạm về công tác ATVSLĐ đã giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện và thực hiện công tác ATVSLĐ được tốt hơn, môi trường lao động sản xuất an toàn hơn, góp phần tăng năng suất lao động, phòng chống TNLĐ, BNN và phát triển doanh nghiệp bền vững.