THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:45

Triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, BNN

 

Quang cảnh buổi Lễ


Báo cáo tại Lễ kỷ niệm, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, Cục An toàn lao động tiền thân là Vụ Bảo hộ lao động (thành lập năm 1997) là đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được thành lập từ năm 2003 có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ động trong phạm vi cả nước. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Cục An toàn lao động đã không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Từ lúc trước năm 2003 chỉ có 12 công chức, đến nay Cục đã có 39 công chức và 41 viên chức, người lao động với 6 phòng chuyên môn và 1 Trung tâm huấn luyện ATVSLĐ. Cục đã trở thành một trong những cơ quan chuyên môn quan trọng của Bộ, góp phần không nhỏ cho công tác  đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người lao động, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất  nước. Nhiều chính sách, văn bản pháp luật về ATVSLĐ đã được tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Cục An toàn lao động nghiên cứu, tham mưu cho Bộ xây dựng, trình Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ ban hành như: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Chỉ thị số 29/CT-TW về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, năm 2015, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động tại kỳ họp thứ 9. Luật ATVSLĐ với nhiều nội dung, chính sách mới như: mở rộng đối tượng áp dụng đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc; hỗ trợ huấn luyện cho người lao động trong doanh nghiệp từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các biện pháp đánh giá, phòng ngừa rủi ro; cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc...

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Bằng khen của Bộ cho Cục ATLĐ


Chính phủ cũng đã ban hành hơn chục Nghị định, Quyết định nhằm quy định cụ thể những điều Luật ATVSLĐ giao cho Cục An tòan lao động, như: Chương trình quốc gia về ATVSLĐ 3 giai đoạn từ 2006 đến 2020; tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm; Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ; giảm mức đóng vào quỹ  bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1% xuống còn 0,5% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất; thông báo ngày nghỉ Lễ tết năm sau nhằm giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp và người lao động trong cả nước chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh và đi lại nghỉ ngơi phù hợp. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành hơn 60 thông tư, quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động nhằm hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, các hoạt động triển khai pháp luật vào thực tiễn cũng được đẩy mạnh. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện các kiến thức, kỹ năng đảm bảo ATVSLĐ cũng luôn được triển khai sâu rộng và đã thu hút được sự quan tâm, đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và hàng chục triệu người lao động; với sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là trong thời gian tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ - phòng, chống cháy nổ, Tháng hành động về ATVSLĐ. Các hoạt động kiểm định, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, kiểm soát và ngăn ngừa các sự cố, rủi ro mất ATVSLĐ trong sản xuất; hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng và nhận được nhiều sự hỗ trợ, trao đổi chuyên gia, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức như Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Đan Mạch, Cơ quan ATVSLĐ Hàn Quốc, Ban Phòng ngừa công nghiệp mỏ quốc tế thuộc Hiệp hội an sinh xã hội quốc tế; Mạng ATVSLĐ ASEAN...

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Lễ kỷ niệm

 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thay mặt lãnh Bộ LĐ-TB&XH biểu dương các thành tích mà các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động qua các thời kỳ của Cục An toàn lao động đã đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển Cục An toàn lao động,  Bộ LĐ-TB&XH cũng như đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động của đất nước. Về nhiệm vụ của Cục trong thời gian tới, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị Cục An toàn lao động cần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và không ngừng nỗ lực, nghiên cứu, tham mưu xây dựng trình Bộ trình Chính phủ, Quốc hội các chính sách, giải pháp để giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhất là khu vực không có quan hệ lao động. Cục cần tập trung vào  một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất: Triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động, Chị thị 29- CT/TW ngày 19/8/2013 của Ban Bí thư; thực hiện tốt các mục tiêu về an toàn lao động trong Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức có hiệu quả các hoạt động trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm.

Thứ hai: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, có tâm huyết, kiến thức và kỹ năng, kỉ luật lao động, đạo đức công vụ; Thúc đẩy và thực hiện tốt công tác huấn luyện, kiểm định an toàn lao động.

Thứ ba: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, cải cách cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản bớt thủ tục hành chính, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm làm chuyển biến rõ rệt từ ý thức sang hành động về ATVSLĐ của doanh nghiệp và người lao động trong công tác đảm bảo ATVSLĐ.

 Thứ tư: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động; triển khai các chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và mở rộng trong khu vực phi kết cấu, trong các làng nghề và nông nghiệp.

 Thứ năm: Làm thay đổi nhận thức cho người sử dụng lao động về việc thực hiện an toàn lao động không phải là tốn kém mà ngược lại công tác phòng ngừa rủi ro tốt thì rẻ hơn nhiều so với giải quyết hậu quả do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ gây ra. Đối với người lao động cần phải nhận thức rằng việc tuân thủ đầy đủ các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm bảo an toàn lao, vệ sinh lao động trước hết là để bảo vệ chính bản thân mình; kiên quyết từ chối công việc, rời bỏ nơi làm việc mất an toàn để bảo vệ chính mình và gia đình.

 

Cục trưởng cục ATLĐ Hà Tất Thắng báo cáo quá trình phát triển trong 15 năm qua của Cục ATLĐ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bà Nguyễn Thị Hằng trao Bằng khen của Bộ cho các tập thể xuất sắc

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp và ông Bùi Hồng Lĩnh trao Bằng khen của Bộ cho các cá nhân có thành tích

VĂN LÝ - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh