THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:22

Hà Nội: Chủ động phòng chống thiên tai để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội

Theo Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 626,513 km đê được phân cấp, trong đó có 37,709 km đê cấp đặc biệt, 249,578km đê cấp I, 45,004km đê cấp II, 72,165km đê cấp III, 160,016km đê cấp IV, 62,041km đê cấp V. Ngoài ra còn có 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 213,93km chưa được phân cấp và các tuyến đê nội đồng chống úng ngập.

Qua kiểm tra, đánh giá và quá trình theo dõi, quản lý cũng như thực tế xử lý sự cố đê điều trong các mùa lũ trên các tuyến đê, năm 2021 thành phố Hà Nội xác định còn 4 trọng điểm (Cống Cẩm Đình; Cống Liên Mạc; Đê, kè, cống Xuân Canh – Long Tửu; Khu vực đê, kè, cống thuộc địa bàn xã Tân Hưng, xã Bắc Phú, đê Hữu Cầu, huyện Sóc Sơn) và 12 vị trí xung yếu.

Trong năm 2021, TP. Hà Nội đã đầu tư nâng cấp, sữa chữa nhiều hệ thống đê điều nhằm phòng ngừa rủi ro thiên tai, đảm bảo cho việc phát triển KT-XH (Ảnh minh họa)

Trong năm 2021, TP. Hà Nội đã đầu tư nâng cấp, sữa chữa nhiều hệ thống đê điều nhằm phòng ngừa rủi ro thiên tai, đảm bảo cho việc phát triển KT-XH (Ảnh minh họa)

Về công trình thủy lợi, hiện trên địa bàn có 117 đập, hồ chứa nước thủy lợi; 1.837 trạm bơm điện với 4.139 máy bơm các loại, 36.001 tuyến kênh mương với tổng chiều dài 20.039km. Hệ thống công trình thủy lợi cơ bản ổn định đảm bảo phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại sự cố, thiên tai gây ra, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, ngay từ đầu năm 2021, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Thành phố đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai.

Trọng tâm là Chương trình công tác số 05-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 05/4/2021 của UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Phương án phòng, chống úng ngập ngoại thành và đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2021. Các Doanh nghiệp thuỷ lợi đã xây dựng Phương án bảo vệ các hồ chứa được giao quản lý; tập trung tu sửa máy móc, thiết bị sẵn sàng vận hành 100% các trạm bơm tiêu úng; đầu tư tu sửa các công trình thủy lợi nội đồng, tăng cường khả năng tiêu thoát ra các sông nội đồng.

Khi xảy ra tình hình sự cố, thiên tai, lãnh đạo Thành phố, thành viên Ban Chỉ huy thành phố Hà Nội thường xuyên, kịp thời kiểm tra hiện trường, chỉ đạo trực tiếp trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo huy động vật tư, lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo kịp thời trong công tác PCTT và TKCN.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời khi xảy ra thiên tai.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai để kịp thời phát hiện hư hỏng, chủ động sửa chữa, khắc phục bảo đảm an toàn công trình… Do đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình mang tính lâu dài là nhân tố quyết định trong công tác ứng phó với thiên tai, khi mà biến đổi khí hậu đang ngày càng cực đoan, khốc liệt.

THÀNH NAM

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh