CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:01

Hà Nội: Chủ động ngăn chặn virus Zika

 

Giám sát chặt chẽ, ứng phó kịp thời

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, mặc  dù virus Zika chưa xuất hiện ở Hà Nội, tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào Hà Nội là rất lớn do muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh do virus Zika lưu hành phổ biến tại Hà Nội.

Hà Nội cũng là đầu mối giao thương của cả nước, sự giao lưu, đi lại giữa các tỉnh, thành phố sẽ làm phát tán tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh do virus Zika phát triển...

Trước nguy cơ dịch bệnh Zika xâm nhập vào Hà Nội, theo PGS,TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - (Bộ Y tế), thành phố cần tiếp tục giám sát, lấy mẫu để tìm xem có virus Zika xâm nhập vào thành phố hay chưa để tìm biện pháp đối phó kịp thời.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết,  để chủ động phòng, chống bệnh do virus Zika xâm nhập, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tổ chức giám sát 2.790 lượt tại 62 bệnh viện, 839 lượt tại cộng đồng. Hiện tại, ngành y tế Hà Nội đang rà soát và tập huấn kiến thức cho 65 đội phòng chống dịch cơ động, sẵn sàng triển khai xử lý khi có ổ dịch. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài phòng, chống dịch do virus Zika. Hiện nay, tất cả hành khách nhập cảnh qua sân bay Nội Bài đều được đo thân nhiệt để phát hiện sớm trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ.

Vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy là cách phòng, chống dịch Zika hiệu quả.

Về công tác chuẩn bị điều trị, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Đống Đa xây dựng phương án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu, điều trị hợp lý bệnh nhân theo từng cấp độ dịch trong trường hợp phát hiện bệnh nhân nhiễm Zika trên địa bàn. Ngoài ra, tất cả các bệnh viện trên địa bàn đều tham gia tiếp nhận bệnh nhân. Các bệnh viện đã được hướng dẫn, tập huấn bố trí buồng khám sàng lọc bệnh nhân tại khoa khám bệnh, bố trí khu vực điều trị, cách ly theo phân tuyến để sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đồng thời áp dụng biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tổng vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, Hà Nội sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch Zika xâm nhập. Sở Y tế phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch. Với các cơ sở y tế, cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, hóa chất xử lý môi trường phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong (nếu có). Các quận, huyện, thị xã phải triển khai vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy, đảm bảo thực chất và hiệu quả... Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Zika cho người dân nhằm giúp người dân có thái độ đúng với bệnh, chung tay cùng chính quyền trong phòng, chống dịch trên địa bàn.

Được biệt, để huy động cộng đồng tham gia phòng chống muỗi, vừa qua Sở Y tế Hà Nội đã ký cam kết với các quận, huyện triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus Zika. Từ đó các quận, huyện đồng loạt tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi và bọ gậy phòng dịch. Dự kiến trung tuần tháng 4, Sở Y tế sẽ phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy phòng, chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nếu Hà Nội làm tốt việc tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy đúng kỹ thuật thì sẽ vừa phòng, chống dịch sốt xuất huyết, vừa phòng, chống virus Zika. 

Hiện nay nhiều người dân thủ đô cũng đã chủ động mua thuốc diệt muỗi về để phun xung quanh nhà. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc người dân chủ động tham gia diệt muỗi phòng bệnh cùng với ngành y tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm diệt muỗi, xua muỗi như thuốc xịt muỗi, miếng dán chống muỗi, gel, vợt điện, tinh dầu đuổi muỗi..., người dân cần tìm mua đúng loại sản phẩm được cấp phép lưu hành, còn hạn sử dụng và tuân thủ cách sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất để việc phòng chống bệnh có hiệu quả.

Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, cũng như bệnh sốt xuất huyết, quan trọng nhất vẫn là phải diệt tận gốc nơi muỗi sinh sản như diệt trừ bọ gậy bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thay rửa lu chứa nước thường xuyên, thả các loại cá ăn bọ gậy; thu gom phế thải và các dụng cụ có chứa nước mưa ở trong và ngoài nhà, không để cho muỗi, bọ gậy có môi trường trú ngụ.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh