THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:13

Ghi chép từ vùng có bệnh nhân nhiễm vi rút Zika

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (bên phải) trực tiếp thăm hỏi và tư vấn người bị nhiễm vi rút Zika ở Khánh Hòa.

Ngay sau khi phát hiện bà L bị nhiễm vi rút Zika, ông Lê Minh Quốc,  hàng xóm nhà bà L chia sẻ: “Bà L hàng ngày vốn rất kỹ tính và cẩn thận, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ và diệt loăng quăng liên tục. Bây giờ bỗng nghe tin bà ấy bị nhiễm vi rút Zika khiến người dân trên địa bàn hết sức lo lắng”. Theo lời kể của ông Quốc, sáng 5/4 khi vừa vào nhà xe thì nghe tiếng muỗi vo ve, nghĩ đến trường hợp của bà L, ông vội lo đuổi muỗi trước rồi mới đi làm. Sợ hãi là tâm trạng chung của những người dân sống quanh nhà bà L trong ngày đầu nghe thông tin. Họ lo lắng nhiều cho con trẻ, bởi “chỉ người lớn mới biết cách tránh muỗi...”. 

Để giúp người dân yên tâm chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đến ngay địa điểm nghi bà L bị nhiễm dịch, cũng như nơi bà L sinh sống để chỉ đạo công tác ngăn chặn và chống dịch. Ông Long khẳng định: Bệnh do vi rút Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi đốt, không lây qua tiếp xúc hoặc đường hô hấp... Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Chính vì thế, cộng đồng không được kỳ thị và xa lánh những bệnh nhân bị nhiễm vi rút Zika. Bệnh này cũng không quá nguy hiểm như những lời đồn thổi.

Theo hồ sơ theo dõi bệnh nhân, 26/3, sau khi đi làm về, bà L đến chùa Linh Khứu dọn dẹp và thắp nhang, khi trở về nhà thì có cảm giác lâng lâng trong người, sau đó mặt nóng ran, đỏ bừng lên và sốt. Trên da bà L có nổi một số nốt đỏ, đầu đau váng vất. Cứ ngỡ bị trúng gió hay cảm sốt thông thường như mọi lần, bà L kêu hàng xóm đến nhờ bắt gió và ra tiệm thuốc tây mua thuốc cảm cúm uống. Liều nhẹ uống xong vẫn không khỏi, bà L uống liều thuốc cao hơn thì thấy bụng cồn cào, bệnh không thuyên giảm. Ngày 28/3, người thân đưa bà L đến Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa. Sau khi làm nhiều kết quả xét nghiệm, đến trưa 31/3, mẫu bệnh phẩm của bà L được chuyển đến Viện Pasteur Nha Trang với kết quả dương tính với vi rút Zika. Mẫu bệnh phẩm của bà L tiếp tục được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả vẫn là dương tính với vi rút Zika.

Ghi nhận tại địa phương, ngay thời điểm Bộ Y tế công bố ở TP. Nha Trang có bà L nhiễm vi rút Zika, Sở Y tế Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tổ chức các xe hóa chất đi phun diệt muỗi và loăng quăng trên diện rộng, đặc biệt là các địa điểm có nghi vấn khả năng lây truyền vi rút Zika. Những ngày tới, đơn vị này tiếp tục phun hóa chất ở khắp TP. Nha Trang, kết hợp vừa phun hóa chất, vừa tuyên truyền rầm rộ đến người dân các biện pháp diệt loại muỗi gây bệnh.

Người dân quanh nhà bà L đã an tâm hơn để phòng, chống dịch.

Là nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về vi rút Zika, sau khi nghiên cứu kỹ ca nhiễm bệnh ở Khánh Hòa, TS Masaya Kato, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Tất cả phụ nữ đang mang thai dưới 3 tháng tuổi ở Khánh Hòa và TP.Hồ Chí Minh ngay từ bây giờ hãy đi đăng ký làm các xét nghiệm tầm soát xem có bị nhiễm vi rút Zika không. Bởi, lý do WHO nhận định Zika là mối nguy hiểm đối với y tế cộng đồng không phải do tốc độ lây lan của vi rút, mà do các biến chứng đặc biệt nguy hiểm của bệnh này. Biến chứng nguy hiểm đặc biệt đó chủ yếu rơi vào các thai nhi. Người mẹ bị nhiễm vi rút Zika sẽ khiến thai nhi bị bệnh đầu nhỏ, hoặc vôi hóa não ở thai nhi. Đối với phụ nữ nếu từng bị nhiễm vi rút Zika mà vẫn muốn có thai, cần phải được siêu âm thai hàng tháng. Cũng theo TS Masaya Kato, tính đến thời điểm hiện nay, vi rút Zika đã lây lan tới 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Loại vi rút này bắt nguồn từ một loài khỉ truyền bệnh sang người.

Là người có nhiều năm nghiên cứu cho tổ chức phi chính phủ về chống bệnh truyền nhiễm, GS Man Tony chia sẻ: Nghiên cứu ở Khánh Hòa cũng như ở quận 2, TP.Hồ Chí Minh (nơi có người nhiễm vi rút Zika), cho thấy, vi rút Zika chủ yếu lây bệnh ở vùng nhiệt đới, môi trường có độ ẩm cao. Điều nguy hiểm là nhiều bệnh nhân không có biểu hiện bệnh, hoặc biểu hiện rất mờ nhạt, chỉ thấy mệt mỏi kéo dài. Đây cũng là điều quan trọng mà người dân cần đặc biệt lưu ý.       

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cần nhận diện đúng về bệnh để điều trị bệnh và chống dịch. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin chích ngừa vi rút Zika. Các điều trị hỗ trợ bao gồm: Nghỉ ngơi, bồi phụ nước, điện giải, hạ sốt nếu có sốt cao. Người dân cần thận trọng dùng Aspirin hay corticoid khi chưa loại trừ được sốt xuất huyết Dengue.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, không chỉ những người dân ở vùng có dịch mà tất cả các trường hợp  nghi nhiễm vi rút Zika, sốt xuất huyết có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào để khám. Đặc biệt, những bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhưng qua xét nghiệm lại cho kết quả âm tính cần phải nghĩ ngay tới việc nhiễm vi rút Zika. Cụ thể; nếu thấy sốt 38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân, viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược... nên đi xét nghiệm ngay. Các tổ chức y tế địa phương cũng cần nắm chắc các triệu chứng bệnh lý này để có hướng xử lý kịp thời để sớm điều trị, không gây hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân. 

HÀ ĐẠO/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh