THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:15

Không hoang mang trước vi rút Zika

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trước tình hình dịch bệnh do vi rút Zika đã ghi nhận tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh tham mưu UBND tỉnh công bố dịch ở quy mô xã, phường theo Quyết định 02/2016/QĐ TTg ngày 28/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương nâng mức cảnh báo, đáp ứng dịch lên mức 2 đối với tình huống đã có trường hợp mắc bệnh; các Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương điều tra mở rộng tại khu vực ổ dịch và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Diệt muỗi để phòng vi rút Zika.

Chung tay với ngành Y tế diệt muỗi, loăng quăng...

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh là một nữ bệnh nhân 64 tuổi, trú tại Phước Hòa, Nha Trang. Bệnh nhân khởi sốt ngày 26/3 với triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ. Sau hai ngày tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ, bệnh nhân được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa. Ngày 31/3, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân tại Viện Paster Nha Trang khẳng định dương tính với vi rút Zika. Sau đó, mẫu bệnh phẩm được chuyển ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm lại, ngày 4/4 đã được báo có kết quả dương tính.

Trường hợp thứ 2 cũng là một phụ nữ (33 tuổi), đang mang thai 2 tháng, cư trú phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, TP.  Hồ Chí Minh), khởi phát ngày 29/3 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi. Bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa quận 2 cùng ngày do lo ngại bị bệnh rubella. Bệnh nhân nhập viện, kết quả xét nghiệm ngày 31/3 và 1/4/2016 tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đều dương tính với vi rút Zika. Kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 2/4/2016 và của Trường Đại học Nagasaki (đặt tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) ngày 4/4/2016 cũng cho kết quả dương tính với vi rút Zika.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, người dân, đặc biệt là các thai phụ không nên quá hoang mang, lo lắng, bởi  mặc dù vi rút Zika và sốt xuất huyết đều lây truyền qua muỗi vằn Aedes, nhưng sốt xuất huyết nguy hiểm hơn nhiều. Bệnh nhân nhiễm vi rút Zika thông thường ở thể nhẹ, có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Vi rút Zika có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ em, nhưng không phải tất cả các trường hợp nhiễm vi rút Zika đều mắc dị tật này. Hệ thống phòng thí nghiệm và phác đồ điều trị đã sẵn sàng để ứng phó với dịch bệnh. Mỗi người cần chung tay với ngành y tế tham gia diệt muỗi, loăng quăng ở khu vực sinh sống; nếu không cần thiết thì người dân không nên qua vùng có dịch; phụ nữ mang bầu dưới 3 tháng cần phòng tránh, không để bị muỗi đốt.

Bệnh nhân có chỉ định xét nghiệm được thanh toán BHYT

Trước sự thắc mắc của người dân về việc họ cần làm gì và nên đến đâu để được khám, tư vấn nếu nghi ngờ mắc Zika, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, hiện với các trường hợp cần lấy mẫu giám sát ngoài cộng đồng, ngành y tế đang thực hiện miễn phí. Với người dân không có yếu tố dịch tễ, không có biểu hiện bệnh mà đi xét nghiệm thì sẽ được tư vấn. Riêng trong hệ thống bệnh viện, với bệnh nhân nghi ngờ, bác sỹ chỉ định xét nghiệm, sẽ được BHYT thanh toán chi phí.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế bàn giải pháp chống dịch.

“Tôi xin nhấn mạnh, không phải trường hợp nào cũng xét nghiệm mà phải có chỉ định, có triệu chứng biểu hiện như sốt, phát ban, nổi mẩn đỏ, viêm kết mạc, ở trong vùng dịch tễ nguy cơ cao như vùng nhiều khách du lịch nước ngoài... Việc chỉ định lấy mẫu xét nghiệm do cơ quan y tế chỉ định, ưu tiên vùng lưu hành mật độ muỗi cao do loại muỗi truyền sốt xuất huyết - cũng là loại muỗi truyền vi rút Zika“, ông Trần Đắc Phu lưu ý.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Trần Danh Cường, việc giám sát, phát hiện vi rút Zika với phụ nữ mang thai không có gì phức tạp. Tất cả phụ nữ mang thai đều được khuyến cáo khám thai thông thường. Riêng phụ nữ có thai mà nhiễm Zika dương tính thì theo dõi chặt 2 tuần/lần bằng siêu âm đo kích thước chu vi đầu, đánh giá tốc độ phát triển để phát hiện. Hiện nay, siêu âm là một kỹ thuật chẩn đoán phổ cập, đơn giản. Tại các tuyến xã, huyện đều đã được trang bị máy siêu âm. Các bác sỹ các tuyến từ Bắc, Trung, Nam đã được tập huấn về kỹ thuật phát hiện hội chứng đầu nhỏ bằng siêu âm.     

 

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp như phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng).

Bộ Y tế không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương. Tuy nhiên, người đi/đến/về từ vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh, cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.

Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến cáo: Phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika và khám thai định kỳ.

Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.

Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc đi, về từ vùng có dịch, nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt, hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện vi rút Zika.

Đối với trường hợp vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai.

Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong quá trình mang thai để tránh lây truyền vi rút Zika cho mẹ và con.

Thông tin chi tiết về bệnh do vi rút Zika người dân có thể gọi điện thoại đường dây nóng của Bộ

Y tế:  0989.671. 115.

BẢO CHÂU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh