THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:24

Hà Nội: Chợ cóc càng cấm càng mọc ra nhiều

Chợ cóc đông hơn chợ chính

Trong những năm trở lại đây thì vấn nạn họp chợ, buôn bán kinh doanh trên vỉa hè lòng đường trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng có xu hướng gia tăng. Nhiều người dân không muốn vào các khu chợ truyền thống được xây dựng, mà thay vào đó là những chợ cóc ven đường.

Các khu chợ cóc bày bán đủ các loại nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của người dân

Một trong những nguyên nhân có thể giải thích cho thực trạng trên, là do việc mua bán tại các chợ cóc diễn ra rất nhanh chóng và thuận tiện. Các chợ cóc nằm ngay trên lòng đường, người mua tiện đường dừng lại là có thể mua được món hàng mà mình cần, không mất công gửi xe vào chợ chính. Mặt khác các khu chợ cóc hiện nay bày bán đủ các loại mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Trong khi đó nhiều khu chợ truyền thống được xây dựng ở những vị trí không mấy thuận tiện, khiến cho nhiều người dân lựa chọn mua hàng ở các chợ cóc thay vì vào chợ chính.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, sống tại phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) cho biết “ do công việc thường đi làm về muộn nên tôi thường mua luôn thực phẩm ở các chợ cóc. Bởi việc vào các chợ lớn khá mất thời gian, còn chất lượng thì tôi nghĩ cũng như nhau cả thôi”. Không chỉ mình chị Hoa mà rất nhiều người khi được hỏi đều có những quan điểm tương tự.

Đây là những nguyên nhân chính khiến cho chợ cóc tự phát ngày càng phát triển đến mức khó kiểm soát. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới giao thông, mỹ quan đô thị và mà còn làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các tiểu thương trong chợ truyền thống.

Vào mỗi buổi sáng cả con đường Cầu Mới, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa bị biến thành nơi buôn bán họp chợ trái phép

Ghi nhận của chúng tôi ở khu vực gần chợ Ngã Tư Sở, vào mỗi buổi sáng toàn bộ tuyến đường Cầu Mới đã bị biến thành một khu chợ cóc tấp nập kẻ bán, người mua. Đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm từ thịt lợn, thịt gà, cá sống đến rau củ quả… Được bày bán trên vỉa hè, lề đường, nhà ở của các hộ dân ở mặt tiền và mọi khoảng trống được tận dụng triệt để.

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là những con đường nơi họp chợ vốn dĩ đã rất chật hẹp, nhưng người buôn bán tại đây vẫn tùy tiện bày hàng hóa la liệt xuống lòng, đường khiến cho việc giao thông trở nên khó khăn. Đồng thời  sau mỗi buổi chợ người dân sống gần các chợ cóc lại phải đối mặt với rác thải, ô nhiễm và mùi hôi tanh khó chịu. Bà Liên sống tại khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết “ mỗi lần tôi đi qua khu chợ cóc này thì những mùi hôi tanh từ những hàng bán cá, bán gà vịt được mổ bán trực tiếp dưới lòng đường bốc lên rất khó chịu. Nó làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.”

Khu chợ cóc lụp xụp và ẩm thấp tại khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy

Càng cấm càng nhiều

Có thể thấy việc họp chợ, buôn bán ngay trên vỉa hè lòng đường tạo nên các chợ cóc tự phát, đang gây ra tình trạng mất trật tự, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Và một điều đáng lo ngại nữa tại các ngôi chợ cóc là không chịu sự quản lý của các lực lượng chức năng, nên giá cả không ổn định và hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Song do thói quen mua sắm của nhiều người dân mà các chợ cóc này vẫn ngày một tấp nập.

Một chợ cóc trên con đường nhỏ Vũ Hữu, quận Thanh Xuân

Theo quy định của pháp luật đối với hành vi tự ý họp chợ, mua bán tại ngã đường, mua bán lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều đợt ra quân như: Chiến dịch giải cứu vỉa hè vừa qua, song cũng không thu được nhiều hiệu quả, khi vắng bóng lực lượng chức năng các khu chợ cóc lại hoạt động như cũ. Thiết nghĩ thì các cơ quan chức năng cần có những giải pháp xử lý tận gốc rễ của vấn đề, để có thể giải quyết thực trạng trên.   

Tuấn Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh