Hà Nội: 9 điểm mới đặc biệt lưu ý trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:31 - 24/05/2020
Theo đó, năm học 2020-2021, công tác tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của Hà Nội có 9 điểm mới mà nhà trường cũng như phụ huynh học sinh cần đặc biệt lưu ý trước kỳ thi.
Cụ thể, điểm mới thứ nhất, so với tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2019 là giảm số môn thi và cách tính điểm xét tuyển THPT không chuyên nhằm giảm bớt khó khăn cho học sinh do dịch Covid-19.
Năm trước học sinh dự thi THPT công lập không chuyên phải thi 4 môn thì năm nay còn 3 môn, điểm xét tuyển dựa trên điểm 3 môn thi trong đó, Toán và Ngữ văn tính hệ số 2.
Điểm mới thứ 2, hình thức thi ngoại ngữ. Năm 2019, môn Ngoại ngữ, học sinh thi 2 phần tự luận và trắc nghiệm khách quan gồm hai bài thi khác nhau, như vậy thực tế học sinh phải làm 5 bài thi. Tuy nhiên, năm nay môn ngoại ngữ sẽ bỏ thi tự luận và chỉ thi trắc nghiệm khách quan và chấm bằng phần mềm máy tính.
Điểm mới thứ 3, thứ tự các môn thi, năm nay kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT để giảm áp lực cho học sinh dự thi, Sở quy định ngày 17/7, thí sinh dự thi Ngữ văn và chiều là Ngoại ngữ, sáng 18/7 học sinh sẽ dự thi môn Toán. Các môn thi chuyên vẫn giữ nguyên thứ tự môn thi.
Điểm mới thứ 4, lần đầu tiên Hà Nội bổ sung môn ngoại ngữ tiếng Hàn trong thi tuyển sinh lớp 10 và triển khai dạy ngoại ngữ Hàn vào một số trường THPT. Theo đó, học sinh có thể đăng ký dự thi môn ngoại ngữ bằng một trong 5 ngoại ngữ bất kỳ gồm Anh, Pháp, Đức, Hàn, Nhật không nhất thiết là ngoại ngữ được học ở bậc THCS. Trong đó, trường THPT Việt Đức và Nguyễn Gia Thiều sẽ mở 1 lớp tiếng Hàn là ngoại ngữ thứ 2.
Điểm mới thứ 5, thí sinh cần đặc biệt lưu ý là quy định rút ngắn thời gian nộp hồ sơ, nhập học với các trường THPT công lập bắt đầu từ ngày 12/8 đến hết 15/8 thay vì kéo dài 15 ngày như năm 2019-2020.
Riêng trường ngoài công lập, tự chủ tài chính… vẫn giữ nguyên thời gian nhập hồ sơ 15 ngày. Thời gian xác nhận nhập học học trong 3 ngày, học sinh có thể nộp hồ sơ nhập học.
Điểm mới thứ 6, trong công tác tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của Hà Nội năm nay là việc tăng cường số trường dạy ngoại ngữ 2 tiếng Nhật, Đức, Hàn bao gồm 8 trường THPT công lập dạy tiếng Nhật, tăng 5 trường so với năm 2019; 2 trường dạy tiếng Đức hệ 3 năm bổ sung trường THPT Chu Văn An bên cạnh trường THPT Việt Đức.
Điểm mới thứ 7, bổ sung đối tượng ưu tiên cho nhóm đối tượng 1 (nhóm được cộng điểm ưu tiên là 1,5 điểm) bao gồm: Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, con của người hoạt động cách mạnh từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945.
Điểm thứ 8, Sở GD&ĐT Hà Nội tích hợp hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên, THPT chuyên, hệ song bằng tú tài cho đối tượng là học sinh được học theo mô hình trường học mới. Theo đó, các học sinh này sẽ được chuyển đổi sang xếp loại học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông.
Điểm thứ chín, phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi triển khai tổ chức kỳ thi tại các điểm coi thi, điểm chấm thi, làm phách và công tác tuyển sinh tại các trường Trung học phổ thông.
Năm học 2019-2020, dự kiến, toàn thành phố Hà Nội có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở (tăng 6.685 học sinh so với năm học 2018-2019).
Số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên năm học 2020- 2021 dự kiến như sau: Trường trung học phổ thông 90.730 học sinh (tăng 5.776 học sinh so với năm học 2019- 2020.
Trong đó, các trường công lập tuyển 66.492 học sinh, tăng so với năm ngoái; trường công lập tự chủ tuyển 2.788 học sinh. Các trường ngoài công lập tuyển 21.450 học sinh; trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển hơn 8.000 học viên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển 8.473 học sinh.