THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:18

Hà Nội: 3.000 giáo viên hợp đồng không ai được xét đặc cách

Hà Nội: 3.000 giáo viên hợp đồng không ai được xét đặc cách - Ảnh 1.

Không ai trong số 3.000 giáo viên hợp đồng Hà Nội được xét đặc cách.

Thông tin trên được Vietnamnet cho biết, qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số 2.923 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018.

Tất cả các giáo viên đều bị loại không được xét tuyển đặc cách ở tiêu chí "Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập".

Như vậy, gần 3.000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội từng có thời gian công tác từ 5 – 20 năm sẽ phải trải qua kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục bằng hai hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển mà không có bất kỳ ưu tiên gì.

Trước kết luận của UBND TP. Hà Nội, nhiều giáo viên hợp đồng cảm thấy hụt hẫng và hoang mang vì nỗi lo mất việc trong những ngày đầu năm học mới.

Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây cho biết, trước đó, trong phiên chất vấn của HĐND TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ xét đặc cách cho tất cả giáo viên hợp đồng nếu đạt 3 điều kiện là Giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây; có kiểm tra đảm bảo sức khỏe; có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm.

Nhưng hiện tại, với quyết định mới, không có bất cứ giáo viên hợp đồng nào được xét tuyển đặc cách.

"Nếu thực hiện theo đúng tinh thần của thông báo thì chắc chắn những thầy cô giáo hợp đồng trên 20 năm sẽ rút đơn vì dù có thi nhưng cũng không ai đỗ.

Nhiều người trong số chúng tôi chỉ còn một vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu. Cống hiến cả tuổi xuân cho ngành Giáo dục, đến những ngày cuối cùng lại cay đắng vì phải ra khỏi ngành. Sau bao ngày tháng vất vả ngược xuôi để đòi quyền lợi, cuối cùng chúng tôi phải ngậm ngùi chấp nhận".

"Trong ngày khai giảng năm học mới sau 17 lần đón ngày khai trường, tôi lại đi nhận quyết định hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Thật vô cùng đắng cay cho phận giáo viên hợp đồng sau gần 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục, giờ trở thành con số 0 tròn chĩnh", một giáo viên hợp đồng ngậm ngùi.

Theo thông báo, UBND TP. Hà Nội yêu cầu thực hiện tuyển dụng viên chức giáo dục theo đúng Nghị định 161 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. UBND các quận huyện thị xã báo cáo, đề xuất và phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện.

Hà Nội: 3.000 giáo viên hợp đồng không ai được xét đặc cách - Ảnh 3.

Thầy Nguyễn Viết Tiến vẫn mong mỏi một ngày được quay lại bục giảng.

Đối với các đơn vị tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển: Giao Sở Nội vụ hướng dẫn các đơn vị thống nhất thực hiện theo kế hoạch ban hành kèm theo quyết định 1076 ngày 7/3/2019 của UBND TP.

Đối với các đơn vị tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển: Giao Sở Nội vụ xây dựng, ban hành kế hoạch xét tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các quận huyện thị xã để các đơn vị làm căn cứ triển khai các bước theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Nội vụ, đảm bảo đúng quy định.

Liên quan đến vấn vụ việc trên, thông tin mà Tiền Phong có được thì có giáo viên hợp đồng hơn 20 năm ở Sóc Sơn đã quyết định không tham gia tuyển dụng viên chức và đi tìm công việc khác.

Trước đó, các giáo viên hợp đồng của huyện Ba Vì và Sơn Tây đều bị cắt hợp đồng sau ngày 31/8. Còn huyện Phúc Thọ, Thường Tín thì tiếp tục gia hạn hợp đồng cho các giáo viên hợp đồng. 

Hoa Hạ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh