THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:06

Hà Nội: Sẽ “bêu” tên các doanh nghiệp xí phần đất rồi bỏ hoang

 

Ngày 13/8, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Trong phần báo cáo giám sát, HĐND TP. Hà Nội chỉ ra nhiều dự án chậm triển khai trong nhiều năm, của nhiều chủ đầu tư (CĐT) lớn, với diện tích đất hàng nghìn ha. Nhiều dự án trên đã giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chỉ là bãi chăn thả bò, để hoang hóa nhiều năm nay.

Theo báo cáo, toàn thành phố có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, trong đó có 76 dự án chậm triển khai từ 5-10 năm. Tuy nhiên, đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội cho rằng con số 161 là chưa đủ và dẫn ra số liệu có tới 283 dự án chậm triển khai.

HĐND TP. Hà Nội cho rằng nhiều CĐT "xí phần" nhận đất nhưng chậm triển khai, khiến dân sống trong tình cảnh dở dang trong cuộc sống. Trong đó, không ít dự án chậm triển khai hơn 10 năm được HĐND TP. Hà Nội nêu tên. Cụ thể, Khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng công ty xây dựng Licogi rộng 35 ha, chậm tới 14 năm; Dự án khu đô thị Cổ Nhuế rộng 17,6 ha tại phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) cũng đã bỏ hoang 12 năm; Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì) của Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HANHUD) rộng 20 ha, và Khu đô thị Văn La (quận Hà Đông) của Sông Đà Sudico rộng 10,6 ha chậm tiến độ 11 năm.

Một loạt dự án chậm 10 năm như Dự án Làng Việt cổ Hoài Đức ở La Phù (huyện Hoài Đức) rộng 23,4 ha, Dự án khu đô thị AIC Mê Linh tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) của Công ty CP Bất động sản AIC rộng tới 94 ha; Khu đô thị Mai Linh tại xã Song Phương và Tiên Yên, diện tích 139 ha.

Nói về các nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án chậm tiến độ, thậm chí là vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết gồm những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nhiều dự án chậm GPMB do thay đổi chính sách đất đai. Bên cạnh đó, một số CĐT chậm, không quyết liệt chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các sở ngành để tháo gỡ các chính sách GPMB, tập trung nguồn lực, thời gian GPMB các dự án.

Thứ hai, do giai đoạn 2012-20215, thị trường BĐS trầm lắng là nguyên nhân để các CĐT tập trung vốn, thị trường trầm lắng nên khó kêu gọi đầu tư cũng như giải ngân để ngân hàng cho vay.

Thứ ba, về quy hoạch, sau khi sáp nhập Thủ đô, Chính phủ chỉ đạo TP lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Chính phủ phê duyệt, sau đó triển khai quy hoạch này thì TP tổ chức lập quy hoạch phân khu. Quá trình rà soát có trên 240 dự án phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu. Thứ tư, liên quan đến Luật đê điều quy định không xây dựng nhà cao tầng trong khu nội đô cũng một phần ảnh hưởng đến các dự án đã đầu tư trước đây.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ngay sau phiên họp giải trình lần này, thành phố sẽ công bố danh sách 47 dự án chậm triển khai cần phải thu hồi. Để có danh sách này, thành phố đã nhiều lần đối thoại, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư và chỉ thu hồi khi chủ đầu tư thực sự không thể tiếp tục triển khai. Quan điểm của thành phố là sẽ tiếp tục rà soát, thu hồi đất tại các dự án mà chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện, như với 22 dự án trên địa bàn quận Cầu Giấy, thành phố đã gia hạn đến hết tháng 8/2018, nếu các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai thì sẽ kiên quyết thu hồi.

MINH CHÂU (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh