CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 05:57

Hà Giang, Tuyên Quang: Cam bị rụng đồng loạt là do thời tiết

Cục Trồng trọt cho biết, nhiều năm qua, người dân ở 2 tỉnh này đều giữ phương thức treo cam trên cây, chờ ra tết để bán. Trong giai đoạn này, những năm qua đều xuất hiện tình trạng cam bị rụng. Tuy nhiên, chưa năm nào, thời tiết bất thường khiến cam rụng đồng loạt như năm nay.

Hà Giang, Tuyên Quang: Cam bị rụng đồng loạt là do thời tiết - Ảnh 1.

Tại Hà Giang, nhiều gia đình thiệt hại nặng vì cam bị rụng.

Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là huyện Bắc Quang (Hà Giang), ước 13 nghìn tấn, huyện Quang Bình (Hà Giang) là 1.200 – 1.300 tấn. Trong khi đó, tại tỉnh Tuyên Quang, huyện Hàm Yên ghi nhận thiệt hại khoảng 2.000 tấn.

Qua khảo sát, tỷ lệ cam bị rụng tại các vườn và HTX khoảng 30 – 40%. Cá biệt, có những vườn đã rụng tới 70%. Hầu hết những vườn thiệt hại là diện tích cam chính vụ. Thời điểm thu hoạch rộ là tháng 12, tới tháng 1 của năm sau. Tuy nhiên, thời điểm này, giá cam giảm mạnh, người dân chỉ thu hoạch phần nhỏ hoặc để cả trên cây, chờ sau Tết Âm lịch được giá rồi bán.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đối chứng trên diện tích cam chín muộn (V2) thì không có hiện tượng rụng quả như trên. Các nhà khoa học cũng như Cục Trồng trọt cho rằng, nguyên nhân chính là do những diện tích cam này gặp thời tiết bất thường vào dịp Tết.

Theo đó, do cam trên cây quá chín, cộng với mưa to, mưa đá. Những ngày qua, trời trở nắng, độ ẩm cao nên cây cam trút đồng loạt cả lá, không riêng gì quả.

Ngoài ra, kiểm tra thực tế, do gặp mưa nắng thất thường, độ ẩm cao (95 – 100%), nhiều diện tích cam xuất hiện bệnh nấm mốc trên quả. Đây cũng là tác nhân khiến cam thối nhanh hơn và rụng quả đồng loạt.

Sau khi kiểm tra, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện một số biện pháo trước mắt. Khẩn trương thu dọn sạch toàn bộ lượng cam bị rụng khỏi vườn. Sau đó, đào hố chôn, xử lý bằng vôi bột để tránh ô nhiễm môi trường, phát sinh nguồn bệnh do nấm mốc. Sau khi thu dọn xong, cần tiếp tục rắc vôi bột toàn bộ mặt vườn.

Đối với diện tích cam còn lại, người dân cần khẩn trương thu hoạch, kết hợp tạo tán, tỉa cành, bón phân cân đối để dưỡng cây niên vụ 2020 – 2021. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chống rụng quả.Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang có 6.693 ha cam cho thu hoạch trên tổng diện tích 8.302 ha. Tỉnh Tuyên Quang có 6.070/8.690 ha cho thu hoạch. Trong đó, diện tích chủ yếu là cam sành chính vụ.

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh