CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:35

EVFTA được thông qua: Nông sản Việt rộng cửa vào thị trường EU

EVFTA sẽ là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng sự thâm nhập của nông sản Việt Nam vào thị trường có GPD lên đến 18.000 tỷ USD. Trước mắt, EU sẽ xóa bỏ các loại thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế tương đương khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

EVFTA được thông qua: Mở được cánh cửa lớn đưa nông sản vào thị trường EU - Ảnh 1.

Nông sản Việt rộng cửa vào EU.

Trong danh mục các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có rất nhiều nông sản có lợi thế. Việt Nam có năng lực xuất khẩu mạnh mẽ vào châu Âu ở nhóm hàng thủy sản, trái cây (cả tươi lẫn chế biến). Là thị trường trọng điểm thứ 2 của xuất khẩu nông sản Việt Nam, EU có đến 27 quốc gia thành viên, trong đó chúng ta đã đưa nông sản đến 17 nước, đều là những nơi có tiêu chuẩn rất cao. Khi EVFTA được phê chuẩn, đã có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ, trong đó gồm nhiều sản phẩm truyền thống. Điều này nâng tầm cho nông sản Việt Nam bằng tính truyền thống, đặc thù, đặc sản.

Sau lộ trình thuế quan, gần 100% các sản phẩm Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế, đây là mức cam kết lớn nhất mà một đối tác đưa ra cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết. Như vậy, EVFTA sẽ giúp Việt Nam mở cửa với châu Âu, một thị trường truyền thống tiềm năng, đa dạng hóa về nhu cầu nhưng cũng khắt khe về tiêu chuẩn.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản, EVFTA cũng là đòn bẩy, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện và đồng bộ hơn, đặc biệt là việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Để tận dụng được lợi thế này, Việt Nam sẽ tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch giá trị cao vào thị trường EU. Bên cạnh đó, tái cơ cấu một số ngành hàng, nổi lên là các sản phẩm trái cây và thủy sản (tôm và cá tra). Đồng thời, chú ý hơn vào lâm sản, nhóm sản phẩm chủ lực của Việt Nam với thị trường EU và đóng góp đến 11,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019. Ngành lâm nghiệp tần cái cơ cấu theo hướng gắn với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đảm bảo giá trị lao động gắn liền với sản phẩm xuất khẩu, kèm theo các chứng chỉ về khai thác theo quy định.

Một điều cần làm nữa là thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Bên cạnh đó, người nông dân và các doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy phát triển thương hiệu. Không chỉ thương hiệu quốc gia mà còn là thương hiệu ngành hàng, đồng bộ trên cả 3 trục sản phẩm gồm cấp quốc gia, cấp tỉnh và OCOP.

Khi triển khai nghị định EVFTA, ở lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo phải chủ động nhưng không chủ quan. Không được xem ưu đãi về thuế quan là màu hồng vì đó chỉ là nhưng thuận lợi trước mắt. Cần tìm cách vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trước tiên, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP. Đấy là những thách thức tự nhiên, khi nông sản Việt muốn chinh phục thị trường có GDP lên đến 18.000 tỷ USD. Ngoài ra, năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên để phù hợp hơn với EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn với Việt Nam. Khi đó, phải phát triển các sản phẩm đồ hộp, có thể bảo quản dài ngày đối với cả trái cây lẫn thủy sản. Sau khi có sản phẩm, một vấn đề nữa là phân phối sâu rộng vào thị trường EU. Để làm được điều này, cần kết nối với các kênh phân phối lớn, hiện đại ở khu vực này. Từ các nhà buôn lớn, nhà nhập khẩu lớn đó mới duy trì được kim ngạch xuất khẩu nông sản. Qua đó cũng giải quyết được vấn đề bán hàng qua trung gian, khiến người nông dân bị thương lái trục lợi, ép giá. "Các cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp và nông dân cần phải nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng với thị trường. Tất cả chúng ta đều phải cố gắng sản xuất ra được những gì thị trường cần và đạt giá trị cao thay vì số lượng nhiều", ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh