Phú Yên: Thoát nghèo từ mô hình "ngư-lưới-cụ"
- Y học 360
- 17:31 - 15/11/2019
Anh Lý Văn Lợi-Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Hòa cho biết, Xuân Hòa là xã nghèo bãi ngang ven biển, nằm phía Bắc thị xã Sông Cầu, có 3 thôn đều có biển và đầm vịnh. Ngành mũi nhọn là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Trong những năm qua, được các cấp quan tâm chỉ đạo tình hình Kinh tế - Văn hóa - Xã hội xã Xuân Hòa ngày càng phát triển. Từ đó tạo điều kiện cải thiện từng bước đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, ổn định cuộc sống góp phần trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo hàng năm của xã. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhưng chưa bền vững.
Có khoảng 68% hộ sinh sống chủ yếu đánh bắt và nuôi trồng thủy sản và đây là ngành kinh tế mũi nhọn của xã Xuân Hòa. Hàng năm với nghề đánh bắt hải sản đã mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho bà con ngư dân trong xã đặc biệt là thôn Hòa An. Tuy nhiên, nhiều hộ nghèo ở đây còn khó khăn về vốn nên không có điều kiện trang bị phương tiện đánh bắt hải sản, nhiều ngư dân phải đi "bạn", cuộc sống bấp bênh. Vì vậy, địa phương đã thống nhất chọn mô hình "Hỗ trợ Ngư-Lưới-Cụ đánh bắt thủy hải sản" để thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo từ năm năm 2017 đến nay và đã được Sở Lao động-Thương binh&Xã hội tỉnh Phú Yên đồng ý phê duyệt hỗ trợ kinh phí.
Đối tượng hỗ trợ hàng năm của mô hình là hộ nghèo và hộ cận nghèo có mã số, có đủ điều kiện và có lao động nhưng không có vốn để đầu tư. Hộ nghèo được hỗ trợ 12 triệu đồng và hộ cận nghèo 10 triệu đồng và vốn đối ứng mỗi hộ 3 triệu đồng để mua sắm thúng nhựa và máy xăng, lưới, nhá, khung, cước, chì, phao. Thời gian thực hiện 36 tháng, sau đó chỉ thu hồi 10% để hỗ trợ các hộ còn lại. Sau khi được cấp trang thiết bị đánh bắt hải sản, các hộ nghèo, cận nghèo trong dự án được được tạp huấn mô hình khuyến ngư. Đồng thời cho các hộ nghèo được vay vốn tín dụng đầu tư sản xuât, xây dựng nhà ở, nước sạch, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo học nghề, hỗ trợ giáo dục...nhằm đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước phát triển vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần vào mục tiêu chung của địa phương trong công tác giảm nghèo cũng như dự án đạt kết quả cao.
Tiêu biểu như hộ gia đình ông Nguyễn Tùy ở thôn Hòa An, năm 2017 được nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng từ mô hình "ngư-lưới-cụ", từ đó gia đình có điều kiện đánh bắt hải sản thu nhập ổn định, không còn đi "bạn" nữa. "Thu nhập cũng tùy vào lúc biển vào mùa, khi "trúng" cá nhiều mỗi ngày kiếm được 500 ngàn đến 1 triệu đồng, nhưng cũng bù lại những ngày biển động chỉ vài trăm ngàn hoặc đủ thức ăn. "Tuy nhiên, nhờ có ngư-lưới-cụ nhà nước hỗ trợ mà gia đình tôi có điều kiện thu nhập bằng nghề đánh bắt hải sản ổn định, tôi còn nuôi trồng thêm thủy sản nên đã thoát nghèo từ năm 2018"-Ông Tùy phấn khởi chia sẻ.
Hộ anh Phạm Xuân Quang thuộc diện cận nghèo, được hỗ trợ 10 triệu đồng vào năm 2017, từ khi có "ngư-lưới - cụ anh chủ động công việc đánh bắt hải sản hàng ngày, thu nhập ổn định, mỗi ngày tù 120 đến 300 ngàn đồng, hôm nào thời tiết thuận lợi, cá nhiều, thu nhập từ 500 đến 700 ngàn đồng, cộng với công việc buôn bán của vợ gia đình anh đã vươn lên thoát khỏi hộ cận nghèo năm 2018.
Anh Bùi Minh Quốc, trưởng thôn Hòa An cho biết, toàn thôn có 623 nóc nhà, những năm qua nhờ dự án "ngư-lưới-cụ" hỗ trợ cho bà con ngư dân nghèo có điều kiện đánh bắt hải sản nên thu nhập ổn định, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn nhờ đó đã giảm mạnh. Năm 2019 thôn còn 43 hộ nghèo, dự kiến đến cuối năm giảm 18 hộ nghèo. Theo đánh giá của anh Lý Văn Lợi-Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Hòa, qua 2 năm thực hiện dự án phát triển sản xuất và mô hình hỗ trợ ngư-lưới-cụ cho hộ nghèo và cận nghèo đã phát huy hiệu quả tích cực, ngư dân có điều kiện sản xuất đánh bắt hải sản cho thu nhập ổn định, có khoảng 40 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, định mức hỗ trợ còn thấp. "Vì vậy, để thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn các dự án phát triển sản xuất, Ủy ban nhân dân xã Xuân Hòa kiến nghị cần quan tâm tăng định mức hỗ trợ phát triển sản xuất để các hộ nghèo thoát nghèo bền vững".