THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:36

Hà Giang: Dựa vào rừng để bảo vệ rừng (3)

 

Bài 3: Người dân đã hiểu được giá trị của rừng

Những tồn tại

Sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tỉnh Hà Giang đã gặp một số tồn tại. Đối với chính sách sau một thời gian thực hiện cho thấy Nghị định số 99 có một số điểm không còn phù hợp với thực tế triển khai; Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR và thông tư hướng dẫn chế độ quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chưa kịp thời.

 

Nhờ DVMTR mà đời sống bà con được nâng lên

 

Ngoài ra, Hà Giang còn nêu một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách như: Chưa có hướng dẫn huy động được các nguồn tài chính khác theo quy định như đóng góp của chủ rừng khi khai thác gỗ, kinh doanh gỗ…; Việc thu tiền ủy thác của một số doanh nghiệp không đủ năm, nợ đọng kéo dài; một số diện tích rừng trong lưu vực không được chi trả tiền cung ứng đúng, đủ năm kế hoạch.

Thêm nữa, công tác quản lý tài nguyên đất và rừng chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng dẫn đến mất rừng như các vụ phá rừng trái phép vẫn diễn ra, chưa xác định rõ chủ rừng, ranh giới quản lý rừng giữa các thôn; Một số nơi người dân không biết, không có thông tin việc thực hiện chi trả DVMTR trên địa bàn; Công tác kiểm tra của ban giám sát mới chỉ kiểm tra ở tỉnh, chưa thực hiện ở các địa phương và hạn chế về trình độ dân trí, khó khăn về giao thông cũng tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện.

Bên cạnh những tồn tại được rút ra, trong quá trình triển khai chi trả DVMTR gặp nhiều khó khăn. Theo đó, việc chi trả được tiến hành theo từng lưu vực không có cơ chế cân đối nên có sự chênh lệch khá lớn từ vài nghìn đồng/ha và vài trăm nghìn/ha nên dễ gây thắc mắc giữa các chủ rừng trên cùng địa bàn.

Việc đánh giá hiệu quả công tác bảo vệ rừng chủ yếu dựa vào báo cáo, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng từ ngành kiểm lâm, nên chưa đánh giá và phản ảnh được đầy đủ. Diện tích rừng chi trả phân bố ở nhiều địa phương trong tỉnh, dẫn đến kiểm kê, chi trả còn gặp nhiều khó khăn…

Một số thủy điện còn nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng ở Hà Giang

 

Người dân đã hiểu được giá trị của rừng

Ông Cao Đạo Quang, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh (Hà Giang)  cho biết: “Có tiền từ nguồn DVMTR người dân có thêm thu nhập, ý thức được nâng cao, huy động người dân dễ hơn, người dân hiểu được giá trị của rừng, chấm dứt việc làm nương rẫy trong khu bảo tồn, không khai thác rừng trái phép, chỉ còn việc vào rừng lấy củi vì bà con sống gần đó, ý thức rất tốt, chứ để hỗ trợ nâng cao đời sống thì ít vì tiền không được nhiều.

 

Người dân được hưởng lợi nhiều từ việc chăm sóc và bảo vệ rừng

 

Qua nhiều năm thực hiện, tỉnh Hà Giang đã nhận thấy việc chi trả DVMTR là chương trình rất tốt, vì nó bổ sung nguồn kinh phí trong công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là rằng buộc trách nhiệm giữa các bên trong khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: "Chúng tôi có ban kiểm soát ở tỉnh, ở huyện giao cho chánh thanh tra làm trưởng ban kiểm soát, đặc biệt là phần nghiệm thu để chi trả chúng tôi mời công ty có lưu vực đó, có sử dụng rừng dịch vụ thì ông đi cùng để nghiệm thu, nếu khi ký hợp đồng mà không giống như trước thì ông có quyền phản ánh, không chi trả, sắp tới chuyển hết về cho trực tiếp kiểm lâm địa bàn và hạt kiểm lâm chi trả”.

 

Đường giao thông được đổ bê tông vào tận nhà các hộ dân.

 

Ông Tiến cho biết thêm: “Chúng tôi rất phấn khởi về số vụ vi phạm, làm nương rẫy, phá rừng, cháy rừng giảm đáng kế, mặc dù số tiền chi trả rất ít, có những nơi rất thấp so với đơn giá giao khoán bảo vệ rừng của mình nhưng nó tạo được phong trào chung, tạo được mối liên kết cộng đồng, thứ hai là giữa những người sử dụng DVMTR cũng giám sát giúp mình, vừa rồi tổng kết xong cần tạo dựng cơ chế, có nghĩa là những đơn vị chi trả họ phát hiện có khai thác, có vi phạm trên lưu vực đấy thì bước đầu người ta có quyền giữ, và thông tin ngay cho lực lượng chức năng đến để xử lý, giải quyết nên họ rất phấn khởi".

HOÀNG ĐÌNH TƯỞNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh