GS. Ngô Bảo Châu: Sốc khi nhận bảng lương đầu tiên, không đủ tiền mua vé máy bay về nước
- Giáo dục nghề nghiệp
- 12:15 - 29/09/2020
Xoay quanh chủ đề "Trao đổi về nghiên cứu khoa học", GS Ngô Bảo Châu (Viện nghiên cứu cao cấp về Toán) có cuộc trò chuyện vô cùng bổ ích dành cho học sinh, sinh viên, các giảng viên trẻ trong và ngoài Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đây là buổi nói chuyện đầu tiên nằm trong chuỗi "Bài giảng đại chúng" do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Quỹ đổi mới sáng tạo tập đoàn Vingroup (VINIF) phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm tròn 10 năm GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields danh giá.
Cụ thể, GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ rất chân thực về con đường chinh phục giải thưởng Fields, về sự thích thú với Toán học khi còn là học sinh phổ thông, những thách thức cũng như niềm vui của người làm nghiên cứu khoa học mà ông đúc kết trong hơn 30 năm qua.
GS. Ngô Bảo Châu đã có buổi trò chuyện với học sinh, sinh viên, các giảng viên trẻ trong và ngoài Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Theo Giáo sư, điều quan trọng nhất đối với chặng đường trở thành nhà nghiên cứu khoa học thực thụ chính là phương pháp và kỹ năng tư duy. Khi được nhiều người hỏi về ý định rời bỏ con đường nghiên cứu Toán học, ông chia sẻ có một vài thời điểm bản thân thật sự nghi ngờ về khả năng của mình. Lớp 11, ông xuất sắc giành huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế IMO năm 1988 với số điểm tuyệt đối (42/42) nhưng sau đó Giáo sư không còn cảm thấy thích thú việc tiếp tục đi thi nữa bởi dường như bất kỳ bài toán sơ cấp nào ông cũng làm được.
Khi sang Pháp, việc học khiến ông cảm thấy đôi chút khó khăn nhưng ông đã gặp được Giáo sư Gérard Laumon - một người thầy đặc biệt, có khả năng nắm bắt điểm mạnh điểm yếu của sinh viên, nhờ vậy GS. Ngô Bảo Châu bắt đầu làm chủ kiến thức Toán học. Thời điểm đó, ông biết được Toán cao cấp xuất hiện nhiều điểm khác biệt so với Toán sơ cấp. Cuốn sách Toán cao cấp đầu tiên ông có được là từ GS Đoàn Quỳnh, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Giáo sư cho hay: "Nhiều người khuyên tôi nên lựa chọn một người thầy tên tuổi hơn nhưng tôi vẫn quyết định theo thầy giáo của tôi. Thầy tôi khi ấy còn trẻ, thậm chí chưa có tên tuổi, tôi vẫn cảm thấy rất tin tưởng để đi theo thầy. Sau này, tôi mới nhận thấy, quả thực thầy có một tầm nhìn xa và sâu sắc, cách hiểu rất mới và cái nhìn đặc biệt về các vấn đề của Toán học."
Một trong những kỹ năng khó nhất của nghiên cứu khoa học mà Giáo sư rút ra là luôn luôn phải đổi mới mình.
Giáo sư kể lại câu chuyện, bản thân từng đưa ra quyết định đầy rủi ro khi muốn rời bỏ "vùng an toàn". Năm 2002, GS. Ngô Bảo Châu mạo hiểm sẽ từ bỏ hầu hết các công trình, đề tài ông nghiên cứu. Thậm chí ông còn viết thư cho những người cộng sự cùng nghiên cứu để thông báo việc rút lui khỏi một số đề tài chung, tập trung vào nghiên cứu bổ đề cơ bản trong Toán học. Công trình "Bổ đề cơ bản cho các đại số Lie" đã thành công vang dội và đạt giải thưởng Fields năm 2010.
Tuy nhiên, GS. Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ người làm khoa học luôn thiệt thòi về thu nhập, không có thời gian đi giao lưu xã hội, gặp gỡ bạn bè. Ông nói: "Cho đến tầm 30-40 tuổi, tôi vẫn không có khái niệm đi ăn quán, việc giao lưu với bạn bè cũng rất hạn hữu. Tôi cảm thấy mình không có nhu cầu, mặc dù tôi cũng nhìn thấy một xã hội rất đáng mơ ước, nó vẫn như thể chẳng liên quan gì đến mình. Đó chính là cái giá phải trả nếu bạn muốn theo đuổi việc nghiên cứu khoa học."
Thực tế những nhà khoa học trẻ luôn phải đối mặt với bài toán kinh tế vô cùng khó khăn. Khi còn ở Pháp, GS. Ngô Bảo Châu shock vì thu nhập quá thấp nhưng bản thân ông chưa từng nghĩ đến việc kiếm tiền nhiều, chỉ cần kiếm đủ để trang trải cuộc sống, đáp ứng đủ nhu cầu ăn uống của bản thân, phần lớn thời gian còn lại ông chuyên tâm vào nghiên cứu. Đến khi được bổ nhiệm làm Giáo sư, ông tiếp tục shock lần 2 khi nhận được tờ bảng lương đầu tiên của mình bởi số tiền này không đủ để ông mua chiếc vé máy bay về Việt Nam. Nhưng rồi ông vẫn vui vẻ vì đó là việc mà một nhà nghiên cứu khoa học không bao giờ tránh khỏi.
"Đó không phải do cách đối xử của người ta với tôi không tốt mà mặt bằng chung ở Pháp như thế. Hay như ở Mỹ, mức lương của người làm khoa học cũng kém xa so với những người làm nghề khác. Nhiều nghề, sinh viên vừa ra trường đã nhận được mức lương ngang với giáo sư Toán học", Giáo sư tâm sự.
GS. Ngô Bảo Châu nhận định điều kiện nghiên cứu của các nhà khoa học ở Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều, công sức nhà khoa học bỏ ra sẽ được xã hội đền đáp xứng đáng. Người làm khoa học hiện nay đã có thể sống bằng nghề của mình, không phải đi làm thêm ngoài giờ như trước. Ngoài các quỹ đầu tư của nhà nước, một số quỹ tư nhân cũng bắt đầu hình thành để hỗ trợ việc nghiên cứu khoa học. Do đó, các nhà khoa học trẻ hoàn toàn có thể yên tâm làm nghiên cứu.
Ảnh: Fanpage Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội