THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:49

Góp ý sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học: Triệt tiêu 'xin - cho' trong quản lý giáo dục đại học

 

Ảnh minh họa. 

Nghị quyết số 29/NQ-TW của Hội nghị 8 BCHTW Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ban hành đã gần 4 năm nhưng nhiều nội dung của nghị quyết vẫn chưa đi được vào cuộc sống do vướng với khá nhiều các qui định đã không còn phù hợp ở các luật về giáo dục.

Trong đó có Luật Giáo dục và Luật GDĐH. Do vậy để tháo gỡ những vướng mắc đang gặp khi triển khai Nghị quyết 29 Quốc hội đương nhiên cần sớm bổ sung, sửa chữa các luật này.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, với luật Giáo dục ĐH, hiệp hội đề nghị việc sửa đổi phải đạt tối thiểu 4 yêu cầu quan trọng. Một trong 4 yêu cầu đó là “phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin - cho” đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý giáo dục ĐH”.

Ông Khuyến nêu ví dụ: “Điều 32 quy định cơ sở giáo dục ĐH tự chủ trong nhiều hoạt động. Tuy nhiên các điều đó đều thường xuyên sử dụng các thuật ngữ “xin phép” và “cho phép” trong khi với cơ chế tự chủ thật sự, các cơ sở giáo dục ĐH chỉ phải “đăng ký”, còn các cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra các quyết định “công nhận”!.

Về hội đồng trường, ông Dương Đắc Hùng, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Hải Phòng, đề xuất: “Số lượng cán bộ quản lý trong nhà trường tham gia hội đồng trường không thể vượt quá 1/3 thành viên hội đồng trường”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến để xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung luật.

 Nhận xét về kết cấu và nội dung Luật Giáo dục ĐH hiện hành, theo Hiệp hội vẫn nghiêng theo hướng của một luật về các cơ sở giáo dục ĐH - một văn bản thường chỉ được trình bày dưới dạng “dưới luật”, tức Điều lệ trường đại học. Điều này có thể thấy rõ ngay tại các Điều 1 và 2 của Luật quy định về phạm vi điều chỉnh và về đối tượng áp dụng.

Trong Luật, những nội dung rất quan trọng của một Luật Giáo dục ĐH hiện đại như: Hệ thống giáo dục ĐH, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với giáo dục ĐH hầu như không được thể hiện rõ. Mặt khác nhiều nội dung đưa vào lại quá chi li, không xứng tầm của một luật về Giáo dục ĐH.

Chính vì vậy, Hiệp hội đề nghị Luật Giáo dục ĐH sửa đổi tới phải đưa thêm vào hai chương mới: Một chương về Hệ thống giáo dục đại học và một chương về Quan hệ Xã hội.

Chương đầu cần chứa đựng các nội dung như: Cơ cấu hệ thống GDĐH, các chuẩn mực GDĐH quốc gia, các trình độ đào tạo, hệ thống văn bằng, các cơ sở GDĐH, mạng lưới các hội và hiệp hội về GDĐH... (tương tự như Luật Giáo dục Đại học của Liên Bang Nga).

Chương sau cần đưa vào các nội dung về nguyên tắc bình đẳng trong cơ hội và điều kiện tiếp cận với GDĐH của mọi công dân có nguyện vọng và nhu cầu được học ĐH, về trách nhiệm và quyền lợi của công dân, trong đó có giới tuyển dụng đối với GDĐH, về vai trò của các hội và hiệp hội nghề nghiệp trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH... Đây là hai chương rất cơ bản không thể thiếu vắng trong mọi Luật Giáo dục ĐH.

HÒA THANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh