THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:19

Những người gom lửa và gieo hy vọng sống

 

Vào cổng bên trong của Bệnh viện lối đường Nguyễn Đức Cảnh, rẽ trái là gặp ngay Khoa Thận nhân tạo. Khoa có khoảng trên 50 giường bệnh/ trên 50 máy lọc thận, nằm trong khuôn viên rộng rãi. Từ 6 giờ 30 phút sáng, y, bác sĩ đã có mặt để khởi đầu ngày làm việc mới. Khoa không có giường bệnh nội trú, nhưng trong từng ca trực, y, bác sĩ gần như thuộc cả tên lẫn họ và quê quán bệnh nhân, bởi hầu hết bệnh nhân bị suy thận mãn, phải đến bệnh viện chạy thận đều đặn 3 lần/tuần

Chúng tôi ngỏ ý viết bài về những bàn tay gom lửa, gieo nên hy vọng sống cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, Bác sĩ Lê Khắc Dương bảo: “Thôi khoan, đi gặp bệnh nhân đã. Họ cần nhiều người hiểu hơn”.

Ngay lối dẫn vào khu buồng bệnh, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Tình (43 tuổi, trú tại huyện An Lão, Hải Phòng) đang dò dẫm từng bước dọc theo những thanh giường bệnh sau một đợt chạy thận, lọc máu.

Những lời kể cứ được một quãng phải ngưng lại, sau một tiếng thở dốc mệt nhọc của người đàn ông có gương mặt xạm đen vì bệnh, mới tiếp tục: “Tôi đã có gần 7 năm điều trị bệnh ở khoa thận nhân tạo. Khổ, nhà nghèo, lại mắc phải bệnh nhà giàu. Từ ngày mắc bệnh, lại chỉ lo điều trị, không đi làm được nữa. Cả nhà, một bệnh nhân và bốn đứa con đang còn tuổi ăn học, phải khổ tâm mà cậy vào gánh hàng buôn bán lẻ của chồng tôi. Phải nói trước đây, gia đình không khá giả, những bữa ăn cũng đắp đổi được qua ngày, nhưng từ ngày tôi bệnh, gia đình khánh kiệt. Anh em họ hàng cũng thương, thay nhau giúp đỡ nhưng giúp ngặt chớ ai đâu giúp được nghèo mãi. Họ cũng nông dân, nhà nghèo. Cũng có lúc tôi nghĩ thôi buông tay để khỏi phải năm dài, ngày dài sống mà làm khổ gia đình nữa. Nhất là cứ mỗi tháng, phải đóng ứng tiền viện phí khoảng gần 2 triệu đồng, chẳng biết đâu mà xoay xở nếu bệnh viện không cho khất nợ và các bác sĩ ở đây cứ động viên tinh thần”.

Cũng hoàn cảnh éo le chẳng khác những bệnh nhân đang điều trị tại đây, em Nguyễn Thị Giang(19 tuổi, trú tại phố Chùa Hàng, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng). Em đã 11 năm điều trị tại đây để duy trì sự sống. Bác sĩ Bùi Thị Thu Hằng, Phó trưởng khoa thận nhân tạo, người trực tiếp điều trị cho em Giang kể: Nhà em Giang thì có mỗi mình em, gia đình thì rất nghèo, mẹ mất sức lao động. Không có tiền, em hằng ngày cứ đến chạy thận nhân tạo, tiền ăn, tiền đi lại đều nhờ vào tấm lòng hảo tâm của những người xung quanh.

Ở khoa thận nhân tạo, dường như không có khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân. Họ dường như hiểu nhau rất rõ. Những y, bác sĩ có thể nhớ rành rọt từng con người, từng hoàn cảnh, thậm chí từng cuộc đời; những bệnh nhân luôn nghĩ về những y bác sĩ với tấm lòng tri ân “những lương y thực sự”. Điều đó cũng dễ hiểu khi thời gian điều trị của hầu hết những bệnh nhân ở đây đều quá dài.

“Có người suốt hơn mười năm ròng, cứ mỗi tuần ít nhất 3 lần gặp nhau để chạy lận, lọc máu, làm sao mà không quen thân nhau”, Bác sĩ Nguyễn Văn Dương chia sẻ rồi lắc đầu nói thêm: “Những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh này, nếu có nhà to thì phải bán nhà to mua nhà nhỏ, nếu có nhà nhỏ thành vô gia cư, bởi tiền bỏ ra cho việc điều trị này là quá lớn. Nếu không điều trị thì bệnh sẽ càng nặng, khó mà cứu chữa. Trong khi đó, không may mắc bệnh thì sức khỏe sẽ suy kiệt đi nhiều, không thể lao động dù muốn dù không. Cũng chính vì thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của các bệnh nhân, nên những y bác sĩ ở đây luôn tâm niệm giúp đỡ, sẻ chia với họ để động viên tinh thần, ít ra giúp họ phần nào cảm thấy bớt thiệt thòi và có thêm ý chí để điều trị bệnh, giữ lại sự sống”.

Gặp những trường hợp khó khăn, ngặt nghèo cần cứu khẩn cấp, những y, bác sĩ ở đây đều vận động nhau quyên góp giúp đỡ, rồi tìm cách kêu giúp thêm.

 Còn về lịch làm việc của các bác sỹ khoa thận nhân tạo- bệnh viện Việt Tiệp, bác sỹ Dương cho biết: ngày làm việc bắt đầu từ 6g30 sáng, khi bắt đầu ca lọc máu đầu tiên, và những người làm việc cuối cùng trong ngày sẽ rời cơ quan lúc 11 giờ đêm.Khi ấy đã có rất nhiều bệnh nhân đứng chờ ở cửa. Bệnh nhân thận nhân tạo có một đặc thù là khi đến lịch chạy thận họ rất bứt rứt khó chịu, khi thấy thầy thuốc đến là họ rất vui mừng và chúng tôi cũng có chung niềm vui ấy”

Trong lúc ngồi trò chuyện, tôi được bác sỹ Dương cho xem cuốn sổ tay ghi chép khá kỹ lưỡng những trường hợp bệnh nhân được giành lại sự sống. Gần đây nhất là trường hợp của bệnh nhân Đặng Vũ Trường, 74 tuổi. Chứng kiến và trực tiếp xử lý ca của bệnh nhân Trường, bác sỹ Hằng nhớ lại: “ Vào ngày 16/4/2016, sau khi lọc máu chu kỳ, bệnh nhân đã bị ngã quỵ do bị nhồi máu cơ tim cấp. Ngay tức khắc, chúng tôi đã xử lý bằng mọi phương pháp y tế như: cấp cứu, ép lồng ngực để cứu sống bệnh nhân. Đã có lúc, chúng tôi nghĩ rằng sẽ phải chào thua khi bệnh nhân đã ngưng mọi tuần hoàn, nhưng sau 2 tiếng, bằng sự nỗ lực của cả tập thể khoa, bệnh nhân đã hồi tỉnh. Lúc đó, cảm xúc của chúng tôi rất vui vì mình đã gieo lên hy vọng sống cho một gia đình bệnh nhân”

 Vừa dứt câu chuyện với hai bác sỹ để chào ra về, thì chúng tôi được gặp chị Đặng Thị Song Hồng chính là người nhà bệnh nhân Trường đến cám ơn các bác sỹ Khoa Thận nhân tạo. Chị Hồng cho biết: “ Gia đình chúng tôi không biết nói gì hơn mà  rất chân thành cám ơn các bác sỹ đã nỗ lực hết mình cứu cha của chúng tôi. Chứng kiến cảnh các bác sỹ liên tục nỗ lực hơn 2 tiếng cấp cứu mà gia đình rất xúc động và cảm kích.Các bác sĩ đã coi người bệnh như người thân, họ đã hi sinh cả ngày nghỉ Tết trong khi ai cũng có người thân, có gia đình cần chăm lo”.

 Sau những tâm sự trên của gia đình bệnh nhân chạy thận nhân tạo, tuy khó khan còn chồng chất. tôi tin rằng, với nhiệt tâm của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Việt Tiệp sẽ góp phần giành giật nhiều cuộc sống quý giá cho mỗi người bệnh. Họ thực sự là những “từ mẫu” trong lòng mỗi bệnh nhân.

TRẦN TRUNG - HÀ ĐÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh