THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:42

Gợi ý đáp án môn Ngữ văn kỳ thi vào 10 THPT năm 2021 tỉnh Thái Nguyên

Gợi ý đáp án môn Ngữ văn kỳ thi vào 10 THPT năm 2021 tỉnh Thái Nguyên - Ảnh 1.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi vào 10 THPT năm 2021 tỉnh Thái Nguyên

Sau đây là gợi ý đáp án môn Ngữ văn:

 I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận.

Câu 2. Theo đoạn trích, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây ra tác động tới mọi khía cạnh của cuộc sống, của tất cả mọi sinh vật trên Trái Đất này.

Câu 3. Nội dung đoạn trích: Tác động của ô nhiễm môi trường và lời kêu gọi bảo vệ Trái Đất.

Câu 4. Đây là câu hỏi mở, học sinh đưa ra quan điểm của bản thân về vấn đề được đặt ra trong câu hỏi và có lý giải phù hợp.

Gợi ý: 

- Nếu đồng tình với ý kiến thế hệ tương lai phải trả giá cho những hành động phá hoại môi trường của con người hiện tại, cần nêu được: Chính những hành động ấy sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ra thiên tai, lũ lụt cũng như làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tác động xấu đến sức khỏe con người...

- Nếu đồng tình với ý kiến thế hệ tương lai sẽ biết ơn những hành động bảo vệ, cải thiện môi trường, Trái Đất ngày hôm nay, cần nêu được: Những hành động ấy đang góp phần làm cho cuộc sống xanh - sạch - đẹp hơn; góp phần bảo vệ cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng sau này.

II. LÀM VĂN

1. Về hình thức

- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.

- Là đoạn văn đầy đủ dung lượng.

- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.

- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Chia sẻ những việc em có thể làm để Trái Đất này trở nên tươi đẹp hơn.

b. Triển khai vấn đề

- Giải thích: Những việc làm để Trái Đất trở nên tốt đẹp hơn là những hành động cụ thể, thiết thực của bản thân để Trái Đất - môi trường trở nên tốt đẹp hơn hiện tại.

- Thực trạng hiện nay: ô nhiễm môi trường tăng mạnh gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống hôm nay và mai sau.

- Mỗi người cần có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường thể hiện bằng những hành động cụ thể:

+ Tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp về bảo vệ môi trường.

+ Tích cực tham gia hoạt động của đoàn thể, nơi em sinh soosngs trong việc dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ phố.

+ Nâng cao ý thức tự giác của bản thân và những người xung quanh về việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phân loại rác thải.

+ Hạn chế sử dụng rác thải nhựa, bao bì ni lông; dùng những vật dụng thân thiện với môi trường, dễ phân hủy.

+ Tái chế, tái sử dụng chất thải rắn trong sinh hoạt.

+ Lên án, phê phán những hành động xấu, gây ô nhiễm môi trường…

Câu 2.

1. Về hình thức

- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.

- Bài viết đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.

- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Phân tích hình tượng người lính trong đoạn thơ 3, 4 của bài thơ Đồng Chí.

b. Triển khai vấn đề

b. 1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm 

- Giới thiệu vị trí, nội dung đoạn thơ và vấn đề nghị luận.

b.2. Thân bài

* Đồng chí là cùng nhau sẻ chia mọi gian lao, thiếu thốn trong cuộc đời người lính:

- Trong những kỉ niệm thời quân ngũ, người lính nào cũng từng chứng kiến và trải qua những cơn sốt rét ác tính. Rừng thiêng nước độc và cuộc sống kham khổ, thiếu thốn đã khiến người lính phải đối mặt với bệnh tật không có thuốc men cứu chữa. Khi ấy, tình đồng chí, đồng đội đã giúp họ có đủ sức mạnh vượt lên bệnh tật và cái chết.

- Những câu thơ đối ứng sóng đôi: "Áo anh rách/Quần tôi có vài mảnh vá" đã diễn tả chồng chất những thiếu thốn vật chất mà người lính phải trải qua. 

- Chính trong gian khổ, những người lính lại sáng lên nụ cười lạc quan: "Miệng cười buốt giá". Họ xích lại gần nhau trong cái nắm tay giao cảm thay lời muốn nói: "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay". Hơi ấm của tấm lòng đã chiến thắng cái lạnh của "Chân không giày", chiến thắng thời tiết của những đêm "rừng hoang sương muối", chống chọi với những trận "sốt run người" để đi đến thắng lợi.

- Trong đoạn thơ, "anh" và "tôi" luôn đi liền với nhau: có khi đứng chung một câu thơ, có khi lại sóng đôi theo từng cặp câu liền nhau. Cấu trúc ấy đã diễn tả sự gắn bó, sẻ chia của những người đồng đội. 

=> Đoạn thơ đã khắc họa tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu, trong sinh hoạt hàng ngày thật cụ thể, cảm động. 

* Biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí

- Câu thơ đầu tiên khắc họa thiên nhiên khắc nghiệt nơi núi rừng Việt Bắc. Sương muối phủ đầy trời đông, làm buốt tê da như những mũi kim châm vào da thịt người lính. 

- Nổi lên trên nền cảnh rừng đêm hoang vắng, lạnh lẽo là hình ảnh những người lính "Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới". 

+ Hai từ "cạnh" và "bên" nhấn mạnh tư thế kề vai sát cánh, đoàn kết gắn bó của những người lính. 

+ Họ "đứng cạnh bên nhau" giữa cái giá rét của rừng đêm để truyền trao hơi ấm, giữa cái căng thẳng của những giây phút chờ giặc tới để làm điểm tựa tinh thần cho nhau, giúp nhau vượt lên trên sự hiểm nguy của hòn tên, mũi đạn. 

+ Từ "chờ" cho thấy tư thế chủ động, bình tĩnh, tự tin đón đánh địch của người lính. 

- Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh rất đặc sắc, vừa chân thực vừa giàu ý nghĩa biểu tượng: "Đầu súng trăng treo".

+ Trong những đêm phục kích chờ giặc, trước mắt tác giả chỉ có ba nhân vật: khẩu súng, vầng trăng và người bạn chiến đấu. Ba nhân vật ấy quyện vào nhau tạo thành hình ảnh thơ độc đáo, sáng tạo. 

+ Súng biểu tượng cho chiến tranh, cho hiện thực khốc liệt. "Trăng" lại biểu tượng cho hòa bình, cho những vẻ đẹp mơ mộng và lãng mạn. Súng là gần, trăng là xa; súng gắn bó với người chiến sĩ, trăng biểu tượng cho tâm hồn của người thi sĩ. 

=> Sự hòa hợp giữa súng và trăng vừa toát lên vẻ đẹp tâm hồn người lính và tình đồng chí của người lính; vừa nói lên ý nghĩa cao đẹp của cuộc chiến đấu: cầm súng để bảo vệ độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc mang lại một tương lai tươi sáng…

b.3. Kết bài

 Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ. 

Tổ Ngữ văn - hệ thống giáo dục HOCMAI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh