THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:29

Gợi ý đáp án môn Ngữ văn kỳ thi vào 10 THPT năm 2021 Sở GD&ĐT Hải Phòng

Dưới đây là gợi ý đáp án môn Ngữ văn do Hệ thống Giáo dục HOCMAI và ICAN.VN thực hiện.

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2. Nội dung đoạn trích: Cô giáo vùng cao Huỳnh Thị Thùy Dung nuôi cơm miễn phí cho học sinh.

Câu 3. Biện pháp nghệ thuật liệt kê được sử dụng trong câu văn: Vì vậy, các em không chỉ thiếu sách vở, quần áo mà còn thiếu cả cơm ăn. có tác dụng nhấn mạnh đến sự thiếu thốn của học sinh vùng cao và khó khăn đối với cô giáo.

Câu 4. Đây là câu hỏi mở, học sinh đưa ra quan điểm, thông điệp của mình được tác giả gửi gắm trong đoạn trích.

Sau đây là gợi ý:

- Tình yêu thương giữa bản làng xa xôi

- Cô giáo như mẹ hiền

II. LÀM VĂN

1. Về hình thức

- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.

- Là đoạn văn đầy đủ dung lượng.

- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.

- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Ý nghĩa của tình yêu thương.

b. Triển khai vấn đề

- Giải thích:  Tình yêu thương là tình cảm giữa người với người, thể hiện qua sự  quan tâm, chăm sóc, đồng cảm, sẻ chia, gắn bó, hòa hợp,...

- Ý nghĩa của tình yêu thương:

Tình yêu thương giúp con người bày tỏ, thể hiện tình cảm của mình với những người xung quanh. Tình yêu thương giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Tình yêu thương thể hiện tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, giúp con người xoa dịu nỗi đau, niềm bất hạnh. Tình yêu thương có thể cảm hóa con người, giúp cho con người làm lại cuộc đời, sống tốt hơn.

- Dẫn chứng:

Trong thiên tai lũ lụt, nhân dân ta thể hiện tình yêu thương đến đồng bào các vùng chịu thiên tai. Trong đại dịch, Việt Nam chung tay phòng chống dịch Covid - 19 với nhiều cử chỉ, hành động cao đẹp bày tỏ tấm lòng yêu thương giữa người với người.

- Liên hệ bản thân:

Nhận thức cá nhân về việc gây dựng, lan tỏa và bày tỏ tình yêu thương trong cuộc sống.

Câu 2.

1. Về hình thức

- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.

- Bài viết đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.

- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước, dân tộc.

b. Triển khai vấn đề

b. 1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu vị trí, nội dung đoạn thơ cần cảm nhận.

b.2. Thân bài

* Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, nhà thơ chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước, con người:

- Điệp từ "mùa xuân", "lộc", "người" như trải rộng khung cảnh hiện thực khi gắn với cuộc sống, chiến đấu và lao động của nhân dân.

- Nhà thơ hướng tình cảm của mình tới những con người cụ thể, những con người làm nên lịch sử, làm nên mùa xuân. Đó là người chiến sĩ với sứ mệnh cầm súng, bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc và người ra đồng đang ngày đêm cần mẫn lao động, xây dựng đất nước giàu đẹp.

- Sức xuân của đất nước, con người được thể hiện đậm nét qua điệp từ "lộc":

+ Nghĩa thực: chồi non, lộc biếc.

+ Nghĩa biểu tượng: Lộc biểu tượng cho sức sống, cho sự sinh sôi, nảy nở và những giá trị, thành quả tốt đẹp mà người chiến sĩ hay người ra đồng mang đến cho đất nước.

- Điệp ngữ "tất cả" cùng phép lặp cấu trúc "tất cả như…" nhấn mạnh không khí tưng bừng nhộn nhịp của đất nước đang vào xuân, đất nước đang khẩn trương, hăng hái lao động chiến đấu và tâm trạng vui sướng, náo nức của con người trước cuộc sống mới.

=> Khổ thơ là sự khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, đất nước.

* Từ những con người cụ thể, nhà thơ nghĩ về đất nước trong cảm nhận khái quát cùng cái nhìn suốt chiều dài lịch sử, với tình cảm vừa thương xót vừa tự hào:

- Đất nước được nhân hóa, mang sự sống như một người mẹ tảo tần đã trải qua bao thăng trầm, sóng gió cuộc đời.

- Hai tính từ "vất vả" và "gian lao" đúc kết quá khứ lịch sử đầy đau thương, mất mát song cũng rất đáng tự hào của dân tộc.

- Đất nước vất vả và gian lao là thế, song nhà thơ vẫn bộc lộ niềm tin yêu sâu sắc qua hình ảnh so sánh và nhân hóa: "Đất nước như vì sao – Cứ đi lên phía trước".

+ Sao là nguồn sáng bất diệt của thiên hà, là vẻ đẹp lung linh của bầu trời đêm, là hiện thân của sự vĩnh hằng trong vũ trụ. Bởi vậy, hình ảnh "Đất nước như vì sao" đã ngợi ca đất nước trường tồn, tráng lệ, thể hiện niềm tin vào tương lai rộng mở cho đất nước.

+ Từ "cứ" vang lên như một sự thách thức, thể hiện ý chí, quyết tâm sắt đá góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

=> Khổ thơ bộc lộ rõ niềm rung cảm của tác giả trước vẻ đẹp của đất nước đồng thời thể hiện niềm cảm phục, tự hào, tin tưởng mãnh liệt của nhà thơ vào sức sống bền bỉ, vững vàng của đất nước, vào khí thế đi lên của dân tộc.

b.3. Kết bài

 Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ. 


Đề thi môn Ngữ văn lớp 10 năm học 2021 của Sở GD&ĐT Hải Phòng.

Tổ Ngữ văn - hệ thống giáo dục HOCMAI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh