CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:49

Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội

 

Gần 50% doanh nghiệp chưa tham gia BHXH

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, quyền về an sinh xã hội là một trong những quyền cơ bản, BHXH VN đặc biệt quan tâm đến phát triển đối tượng, thu nợ đóng, trốn đóng BHXH. Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp trong thời gian qua nhưng tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Đơn cử, số doanh nghiệp tham gia BHXH là trên 235.000 doanh nghiệp, trong khi đó dữ liệu do cơ quan thuế quản lý khoảng gần 500.000 doanh nghiệp, như vậy gần 50% doanh nghiệp hiện nay chưa tham gia BHXH, có thể gọi là trốn đóng BHXH.

“Tình hình nợ đọng BHXH tương đối phức tạp, số nợ hằng năm có giảm, nhưng những tháng gần đây có xu hướng gia tăng. Hiện nay nợ đóng BHXH diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, ở tất cả các khối cơ quan tham gia BHXH. Theo thống kê của chúng tôi, nợ đọng BHXH tập trung chủ yếu là ở khối cơ quan ngoài quốc doanh. Riêng quý I/2017, có nhiều doanh nghiệp phải tham gia, nợ BHXH tương đối dài. Đơn cử như Công ty CP xe khách Phương Trang (TP HCM) nợ 28 tỷ đồng, Cty TNHH Nam Phương (TP HCM) nợ hơn 20 tỷ đồng, Công ty CP Lilama 3 (Hà Nội) nợ hơn 25 tỷ đồng… Trong số nợ đóng BHXH có 1.400 tỷ đồng là nợ BHXH kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 1.900 lao động tham gia BHXH” – ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, rõ ràng chính sách của chúng ta là chính sách an sinh xã hội rất ưu việt, người lao động và chủ sử dụng lao động cũng hiểu việc đóng BHXH không những là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của người lao động. Năm 2016 nợ đóng có xu hướng giảm đi, đầu năm 2017 tăng lên 14.000 tỷ đồng với gần 5% tổng số phải thu BHXH. Đây là một vấn đề mà chúng ta phải tăng cường giải pháp thu nợ nguồn thu ngân sách để đảm bảo cho quỹ BHXH trong tương lai và quỹ này nếu thu được vào quỹ BHXH tập trung thì không chỉ là bảo toàn được quỹ, tăng được quỹ mà chúng ta mang đi đầu tư tăng trưởng. “Nếu Điều 7 của Luật BHXH giao cho Công đoàn được quyền khởi kiện các vụ án về BHXH, thì trong Bộ luật tố tụng dân sự chúng ta cũng phải quy định được khởi kiện. Vì pháp luật của chúng ta không đồng bộ dẫn đến tình trạng hiện nay pháp luật có quy định nhưng không thực thi được. Tôi cho rằng chúng ta phải xử lý bằng biện pháp khác. Việc chức năng thanh tra, có một phần quản lý nhà nước, thanh tra giao cho BHXH thì BHXH phải tận dụng công cụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sắp tới Quốc hội thông qua Bộ Luật hình sự thì điều 264 và điều 265 sẽ cho phép chúng ta xử lý hình sự các tội chiếm dụng và tội trốn đóng BHXH.Các giải pháp của chúng ta ngoài việc xử phạt , truy thu thì chúng ta cũng phải có hình thức xử phạt bổ sung chắc hiệu quả sẽ tốt hơn” – ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Khó vì nhiều quy định chồng chéo

Về thực hiện chức năng khởi kiện của tổ chức Công đoàn, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Ngay từ giữa tháng 6/2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có hướng dẫn, tập huấn quy trình khởi kiện cho cán bộ Công đoàn; ký kết chia sẻ thông tin với BHXH Việt Nam. Hết tháng 1/2017, BHXH Việt Nam đã chuyển cho các cấp Công đoàn 1.177 hồ sơ; các cấp Công đoàn tiếp nhận 1.150 hồ sơ. Đến giữa tháng 2/2017, có 11 LĐLĐ khởi kiện 77 đơn vị nợ BHXH, nhưng đến nay Tòa án đã trả lại 17 hồ sơ, còn một số DN đã nộp trong quá trình bị kiện nên Công đoàn đã rút hồ sơ. Trong đó, 17 hồ sơ bị trả lại được Tòa án lý giải là do không thuộc thẩm quyền thụ lý; thuộc tranh chấp lao động tập thể, chưa được Chủ tịch UBND huyện giải quyết; không có giấy ủy quyền của NLĐ. Ông Chính lý giải, quan điểm của TAND Tối cao cho rằng hành vi nợ, trốn đóng BHXH là hành vi nghiêm cấm trong Luật BHXH; đã là hành vi nghiêm cấm thì chỉ xử phạt hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và trách nhiệm thuộc về cơ quan BHXH. Bởi Luật BHXH quy định cơ quan BHXH có quyền thanh tra thu, thì sẽ có quyền xử phạt, nếu DN tiếp tục chây ỳ sẽ có biện pháp cao hơn và nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị khởi tố hình sự. 

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Luật BHXH giao cho Công đoàn khởi kiện, bởi Công đoàn đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Còn việc xảy ra bất cập là do hệ thống pháp luật không có sự đồng bộ. Do đó, muốn Công đoàn khởi kiện được, thì vấn đề này cũng cần được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự…

Đồng quan điểm, ông Đào Việt Ánh cũng cho rằng, sở dĩ có vấn đề này là do không có sự thống nhất giữa Luật BHXH, Bộ luật Tố tụng Dân sự, thậm chí liên quan đến cả Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn. Ông Ánh cũng cho biết thêm, trước khi giao cho tổ chức Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện, BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện quyền này và mang lại hiệu quả thu hồi nợ rất rõ rệt. Cụ thể, toàn ngành BHXH đã khởi kiện 8.840 vụ (với tổng số nợ gần 6.000 tỉ đồng), trong đó Tòa án đã xét xử 3.986 vụ và thu hồi về quỹ gần 980 tỉ đồng. Riêng trong năm 2015, cơ quan BHXH đã khởi kiện gần 3.500 vụ và thu về quỹ hơn 800 tỉ đồng…

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong khi pháp luật còn có “khoảng trống”,  chúng ta nên giao cho Công đoàn cấp trên đứng ra khởi kiện để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh