CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:09

Đề xuất hai phương án để khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

 

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đến hết tháng 2/2017, BHXH các cấp đã chuyển giao cho tổ chức công đoàn 1.177 bộ hồ sơ các doanh nghiệp nợ BHXH có danh sách cụ thể kèm theo. Thống kê từ 52 Liên đoàn lao động tỉnh, thành cho thấy, công đoàn đã tiếp nhận 1.150 hồ sơ và đã có 39/63 Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố nộp đơn khởi kiện ra tòa với 77 vụ doanh nghiệp nợ BHXH, trong đó: Hà Nội 23 vụ, Bà Rịa Vũng Tàu 15 vụ, Bình Định 4 vụ...

Nhiều khó khăn khi công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH.

Dự kiến, thời gian tới sẽ có 17 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố tiếp tục khởi kiện 63 doanh nghiệp nữa ra tòa. Cũng theo ông Mai Đức Chính, trong số 77 vụ mà các cấp công đoàn đã khởi kiện, có 17 vụ bị tòa án đã trả lại với các lý do như: Không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án do những vụ này là tranh chấp tập thể về quyền, chưa được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; chưa được ủy quyền của công đoàn cơ sở...

Cùng với việc khởi kiện, một số địa phương như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội... công đoàn đã làm thông báo gửi doanh nghiệp về việc khởi kiện. Ngay khi công đoàn ở các tỉnh, thành phố gửi thông báo sẽ khởi kiện đến doanh nghiệp hoặc nộp đơn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, các doanh nghiệp đã truy nộp gần 300 tỉ đồng nợ BHXH. Trong đó, nhiều địa phương đã thu được kết quả tốt, như ngày 23/3/2017, LĐLĐ huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) đã chi trả gần 4 tỷ đồng cho gần 700 công nhân từ chủ doanh nghiệp nợ từ 5 năm trước; ngày 1/4/2017, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty CP Cấp nước Cà Mau đã gửi đơn lên lãnh đạo công ty này "đòi nợ" 22 tỉ đồng cho người lao động… Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam cũng thừa nhận, qua 8 tháng công đoàn được giao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, đến nay, công tác khởi kiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Ông Chính thông tin, vừa qua, tại cuộc họp của Tổng LĐLĐVN với một số ủy ban của Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp... Tòa án Nhân dân Tối cao nhấn mạnh: Việc chậm đóng, nợ, trốn đóng BHXH là hành vi nghiêm cấm trong Luật BHXH và phải bị xử lý. Thời gian qua, công đoàn khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH gặp một số khó khăn. Theo Tòa án nhân dân tối cao, hiện nay có 2 hướng đề xuất giải quyết vấn đề khởi kiện nợ đọng BHXH. Thứ nhất là BHXH sẽ vừa thanh tra thu BHXH vừa có quyền khởi kiện doanh nghiệp. Để thực hiện theo hướng này thì phải sửa một trong hai Luật là Luật BHXH hoặc Luật Tố tụng dân sự. Hướng thứ hai là giao cho Công đoàn khởi kiện thì phải là Công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện. Bởi nếu giao cho Công đoàn cơ sở khởi kiện thì không thể thực hiện được vì Chủ tịch công đoàn cơ sở là người hưởng lương của doanh nghiệp. Vì thế, nếu có khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH có khi chưa nộp đơn thì Chủ tịch công đoàn đã bị chủ doanh nghiệp cho nghỉ việc. “Sau cuộc họp trên, hiện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Tòa án Nhân dân Tối cao) sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan và báo cáo Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao, sau đó sẽ báo cáo Thường trực Ban Bí thư về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh