THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:59

Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp

Bài 1: Cơ hội việc làm mới cho người lao động

Tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều công ty bị giảm đơn hàng, các nhà hàng, khách sạn, ngành dịch vụ vắng khách dẫn đến hàng nghìn người lao động bị mất việc. Hỗ trợ học nghề là một phần trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động.

Cơ hội khởi nghiệp từ nghề mới

Do công ty gặp khó khăn, phải cắt giảm nhân sự chị Nguyễn Thị Khánh Chi ở khu đô thị Kim Văn Kim Lũ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã phải nghỉ việc 3 tháng nay. Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp chị được tư vấn về những lớp học nghề miễn phí dành cho lao động. Cuối cùng chị Chị đã lựa chọn lớp nấu ăn để theo học.

Chia sẻ về việc lựa chọn của mình, chị Chi cho biết, tôi nghĩ nghề nấu ăn là một công việc thiết thực trước hết cho gia đình và đây cũng là một lựa chọn cho định hướng nghề nghiệp sau này của bản thân. Ở lớp học này tôi đã được trang bị những kiến thức nền tảng để bắt đầu khởi nghiệp cho một công việc liên quan đến ẩm thực như kinh doanh nhà hàng, quán ăn hoặc bán đồ ăn online .

Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp - Ảnh 1.

Giờ dạy nghề nấu ăn của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội.

"Với thời gian theo học 2 tháng, tôi đã được thầy dạy 50 món ăn truyền thống của Việt Nam. Có tham gia lớp học mới biết những món ăn mình vẫn nấu hàng ngày cho gia đình và học ở trên mạng chưa đúng. Ví dụ món cá kho, món nộn bắp cải hàng ngày vẫn thường làm nhưng khi đi học mới biết món đó mình làm chưa được ngon vì ngay từ việc lựa chọn nguyên liệu, cho gia vị và cách nấu vẫn chưa đúng. Ngoài dạy nấu ăn thầy ở Trung tâm còn truyền đạt cho chúng tôi kinh nghiệm trong kinh doanh để làm sao tránh được những thiệt hại về kinh tế khi bắt đầu khởi nghiệp. Những kiến thức chúng tôi có được từ lớp học rất thiết thực để chúng tôi bắt đầu cho một công việc mới" – chị Chi cho hay.

Từng là kỹ sư chăm sóc khách hàng của Công ty TNHH Diebold Nixdorf Việt Nam (đơn vị chuyên kinh doanh, cung cấp máy ATM, các giải pháp ngân hàng và dịch bán lẻ), Vũ Văn Sinh ở tiền Hải Thái Bình đã nghỉ việc từ tháng 10/2019. Đến nộp hồ sơ hưởng chế độ BHTN tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, Sinh mới biết đến những lớp học nghề miễn phí như lái xe ô tô, sửa xe máy, may công nghiệp, pha chế đồ uống, làm bánh, học nấu ăn… tại Trung Tâm. Sinh đã chọn lớp nấu ăn để theo học.

Chia sẻ những dự định trong tương lai, Sinh cho biết, định hướng sau này của em là làm thương mại điện tử liên quan đến các mặt hàng nông sản vì vậy những kiến thức của lớp học sẽ bổ trợ cho em rất nhiều. "Quê em là vùng biển có nhiều sản vật của địa phương vì vậy em đang xây dựng một trang wed bán hàng trực tuyến các sản phẩm của quê hương. Có kiến thức về cách chế biến những món ăn sẽ giúp em tư vấn tốt hơn cho khách hàng trong việc lựa chọn thực phẩm".

Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp - Ảnh 2.

Thực hành nghề nấu ăn.

Hiện đang theo học lớp pha chế tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, Nguyễn Thị Ngọc ở Văn Quán, Hà Đông cho biết: "Khi làm chế độ bảo hiểm thất nghiệp em được các anh, chị tại Trung tâm tư vấn lớp làm bánh, pha chế, nấu ăn và em đã chọn học nghề pha chế. Học xong em sẽ mở một cửa hàng kinh doanh đồ uống. Em không nghĩ bảo hiểm thất nghiệp lại có chế độ ưu đãi tốt như thế. Những kiến thức của lớp học đã giúp em định hướng rõ nghề nghiệp trong tương lai và có thể tự kinh doanh riêng theo sở trường mình".

Tạo cơ hội học nghề theo nhu cầu

Phó trưởng phòng Đào tạo nghề, giảng viên lớp nấu ăn ( Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội) Mai Trung Triển cho biết, hiện Trung tâm đang triển khai đào tạo các lớp sơ cấp nghề cho lao động thất nghiệp, trong đó nghề kỹ thuật nấu ăn có số lượng người lao động đăng ký học nhất. Trong quá trình đào tạo, Trung tâm luôn tập trung thời gian cho phần thực hành. Với thời gian 3 tháng, các học viên sẽ được trang bị kiến thức chế biến hơn 50 món ăn truyền thống của Việt Nam. Sau khóa học, các học viên đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ chỉ, đó là căn cứ để người lao động có thể xin đi làm tại các nhà hàng, khách sạn, trường mầm non trong ngành dịch vụ ăn uống hoặc tự kinh doanh. Theo thống kê của Trung tâm thì hầu hết các học viên sau khi học xong đã có việc làm ngay, một số khác đã tự mở nhà hàng, quán ăn hay làm nghề giúp việc gia đình. Vì nghề nấu ăn cũng là một trong những kỹ năng hỗ trợ cho công việc giúp việc gia đình.

Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp - Ảnh 3.

Thực hành nghề pha chế.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo cho biết, xác định việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm là giải pháp cơ bản nhằm giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Trung tâm đã triển khai đảm bảo 100% người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, quyền được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí và quyền được hỗ trợ học nghề miễn phí theo quy định.

Bên cạnh chú trọng đảm bảo chất lượng giảng dạy các nghề sẵn có tại Trung tâm, Trung tâm DVVL còn liên hệ, phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhu cầu và khả năng để tạo nhiều cơ hội học nghề cho người lao động theo nhu cầu. Các ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo đa dạng phong phú hơn đáp ứng được nhu cầu của người lao động và nhận được sự hài lòng từ phía người lao động. Hình thức đào tạo lấy người học làm trung tâm; nội dung đào tạo theo giáo trình chuẩn, cho nên chất lượng đầu ra tương đối tốt. Đã có rất nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học ngoài việc đã tìm được việc làm mới hoặc đã tự mở được cửa hàng ăn, cà phê giải khát, làm bánh ngọt…vv… ổn định cuộc sống bản thân và gia đình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Thảo cũng nêu những khó khăn: "Thực tế cho thấy số lượng lao động BHTN đăng ký học nghề còn chưa cao so với số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động hiện nay với mức hỗ trợ không quá 1 triệu đồng/tháng và thời gian không quá 6 tháng. Vì vậy, rất khó khăn cho các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo những ngành nghề có tính chuyên môn cao, ngành nghề mà thị trường lao động đang thiếu, đang cần".

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh