CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:34

Bình Dương: Gỡ khó cho đào tạo nghề lao động thất nghiệp

 

NLĐ không mặn mà học nghề

Mặc dù tỉnh Bình Dương là một trong số ít địa phương trong cả nước có tỷ trọng công nghiệp lớn trong cơ cấu kinh tế, nhưng các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu.

Đa phần NLĐ thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn nên khi bị mất việc NLĐ chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và mong muốn nhanh chóng tìm được việc làm mới để duy trì cuộc sống. Lao động phổ thông dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi thất nghiệp, do đó họ chưa có nhu cầu được đào tạo nâng cao trình độ tay nghề. Bên cạnh đó, nhiều NLĐ sau khi nghỉ việc đã chuyển hưởng TCTN về địa phương, sau đó chuyển sang làm nông nghiệp, tự kinh doanh như mở tiệm tạp hóa, buôn bán nhỏ hoặc vì lý do gia đình, lý do sức khỏe nên không có nhu cầu tìm việc làm hay lựa chọn nghề mới. Có không ít lao động, đặc biệt là lao động nữ nghỉ việc vì lý do cá nhân: lập gia đình ở nhà nội trợ, thai sản, nuôi con nhỏ, …nên cũng không có nhu cầu học nghề.

 

 - Ảnh 1Nhiều NLĐ thất nghiệp chỉ quan tâm đến trợ cấp thất nghiệp và muốn tìm công việc mới không có nhu cầu học nghề.

 

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, hiện nay mức hỗ trợ cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp học nghề đã tăng, song với mức hỗ trợ trên mới chỉ phù hợp với một số nghề như: tin học văn phòng, kỹ thuật trang điểm, lái xe nâng… So với một số nghề có chi phí cao như lái xe thì còn khá thấp, nếu theo học NLĐ đã thất nghiệp lại phải chịu thêm một khoản chi phí học nên khó thu hút học viên.

Bên cạnh đó, những lao động thất nghiệp đăng ký học nghề thường không tập trung về ngành nghề đào tạo, thời gian đào tạo đã gây khó khăn cho các cơ sở dạy nghề trong việc tiếp nhận học viên, mở các lớp đào tạo. Vì vậy, có khóa học nghề chiêu sinh không đủ học viên nên NLĐ phải chờ đợi trong khoảng thời gian dài, mà trong thời gian này họ có thể đã tìm được việc làm nên đến khi mở lớp đào tạo họ không học nghề như đã đăng ký.

Tháo “nút thắt” đào tạo nghề cho NLĐ thất nghiệp

Liên quan đến vấn đề vướng mắc trong việc đào tạo nghề cho NLĐ thất nghiệp, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương cho biết: “Hiện tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương đang tăng cường công tác liên kết với các trường nghề để đào tạo cho lao động hưởng TCTN. Tuy nhiên, việc thuê giáo viên giảng dạy các lớp học nghề và liên kết với các trường nghề để đào tạo cho lao động hưởng TCTN còn khó khăn bởi học phí được tính theo số lượng học viên từng tháng (số lượng học viên mỗi tháng không đều, có những tháng học viên học quá ít).

Theo quy định về thời gian học nghề đối với lao động thất nghiệp không quá 6 tháng (Điều 56 Luật Việc làm) và mức hỗ trợ kinh phí học nghề cho người lao động hưởng BHTN theo quy định là không quá 1.000.000 đồng (điều 3 Quyết định 77/2014/QĐ-TTg) là chưa phù hợp, vì thực tế muốn học được một nghề có chất lượng và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động phải mất khoảng thời gian tối thiểu 12 tháng với chi phí cao. NLĐ phải bù thêm học phí để đi học khi đang rơi vào tình trạng thất nghiệp. Hơn nữa, chi phí nhà ở, phí sinh hoạt khiến họ không mặn mà với việc học nghề và có thể bỏ dở khóa học nghề. Do đó, NLĐ bị mất việc làm muốn chuyển đổi nghề nghiệp để trở lại thị trường lao động sẽ gặp khó khăn dẫn đến kết quả lao động thất nghiệp đăng ký học nghề còn thấp.

 

 - Ảnh 2Để thu hút NLĐ học nghề cần tư vấn về định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ thực tập cho sinh viên, cũng như mở các ngày hội việc làm...


Ngành nghề đào tạo cho NLĐ chưa đáp ứng kịp yêu cầu, mong muốn của người học. Chưa có sự phong phú đa dạng về ngành học. Chưa có chương trình đào tạo những ngành nghề kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học, cụ thể là tại chi nhánh thị xã Dĩ An và Tân Uyên (Bình Dương). Học viên chưa bảo đảm bảo thời gian theo học, nghỉ học nhiều dẫn đến tình trạng số lượng học viên tốt nghiệp rất thấp. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn phấn lớn còn trẻ về tuổi đời, nhỏ về tuồi nghề, kinh nghiệm cuộc sống còn hạn chế, chưa có quá trình trải nghiệm thực tiễn đời sống công nhân và lao động nhập cư nên khó trong việc tư vấn thu hút NLĐ đăng ký học nghề”.

Đặc thù của các nghề đào tạo ngắn hạn dưới 6 tháng mang tính thực hành cao nên tùy theo nghề đào tạo có thể xây dựng chi phí bao gồm chi phí nguyên, phụ liệu để thực hành. Do đó, mức chi phí đào tạo mà CSDN đưa ra chủ yếu là chi phí chưa bao gồm chi phí nguyên, phụ liệu. Do mức phí học nghề, thời gian hỗ trợ học nghề chưa đủ để có thể tạo một nghề mới vững chắc, chuyên sâu giúp NLĐ có thể chuyển đổi nghề nghiệp ngay sau khi học nghề nên NLĐ chưa có nhu cầu đăng ký học nghề.

Để giải quyết vướng mắc này, theo ông Phương, các cơ sở GDNN cần có sự hợp tác từ các Phòng lao động các huyện (thị) trong tỉnh và UBND xã (phường) trong tỉnh Bình Dương trong quá trình tư vấn cho NLĐ chưa có việc làm ở địa phương xã (phường) các đối tượng như: hộ nghèo, gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ. Kết hợp với các trường nghề: Tư vấn về định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ thực tập cho sinh viên, cũng như mở các ngày hội việc làm.

Chú trọng đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề và tác phong công nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Với sự phát triển hệ thống các trường dạy nghề cùng với việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy nghề đã tạo điều kiện để NLĐ học tập nâng cao tay nghề. Tiếp tục thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp để giúp nguồn lao động trong tỉnh tự tạo việc làm, ổn định đời sống.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh