Gỡ “nút thắt” cho XKLĐ huyện nghèo
- Bài thuốc hay
- 13:21 - 16/01/2015
Người lao động... chưa sẵn sàng
Từng đi XKLĐ tại Nhật Bản theo chương trình 71, anh Giàng A Tắc, dân tộc Mông ở xã Xín Chéng (huyện Si Ma Cai Lào Cai) đã giúp gia đình thoát nghèo.
Sau 3 năm lao động tại Nhật Bản với mức thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng, khi về nước, anh Tắc để được khoảng 600 triệu đồng, anh mua xe tải để chở hàng thuê và đang làm nhà ven đường để kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Anh Tắc chia sẻ: “Khi đăng ký đi XKLĐ theo chương trình 71, tôi được đào tạo, học tập và tìm hiểu văn hóa Nhật trong 6 tháng, được hỗ trợ nên tôi không phải vay vốn ngân hàng. Sau khi trở về, tôi đã có tích cóp, tạo được việc làm tại địa phương, gia đình cũng không còn khó khăn như trước...”.
Thế nhưng, không phải ai cũng có quyết tâm được như Giàng A Tắc. Anh Sùng Seo Sở (thôn phố Mới, xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai) cũng đi XKLĐ theo chương trình 71 sang Malaysia làm việc, nhưng chưa kịp tích lũy đã bỏ dở hợp đồng, về giữa chừng, hiện còn khoản nợ ngân hàng 25 triệu đồng.
Anh Hoàng Văn Tư, người Nùng, ở thôn Na Đẩy (xã Mường Khương, thị trấn Mường Khương, Lào Cai) đi XKLĐ ở Malaysia nhưng tự ý phá hợp đồng ra ngoài làm việc, bị trục xuất về nước trước thời hạn, đến nay anh còn nợ ngân hàng 10 triệu đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa thăm lao động nghèo đang làm việc tại Nhật Bản. (Ảnh do Cục QLLĐNN cung cấp).
Chị Nguyễn Thị Hòa (xóm Bến Gạo, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) thấy mấy người trong xã đi XKLĐ tại Đài Loan (Trung Quốc) đều thoát nghèo, chị đã đăng ký làm công nhân nhưng khi làm thủ tục thì nghĩ lại không muốn đi nữa, lý do đơn giản một phần vì thấy con còn nhỏ quá một phần chồng tỏ ý không cho đi.
Ngày 29/4/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 71, nhằm hỗ trợ người dân 62 huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, vươn lên thoát nghèo bền vững. Với chỉ tiêu từ năm 2009 đến 2010, đưa 5.000 lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài; từ 2011 đến 2015 đưa 50.000 người và từ 2016 đến 2020 tăng thêm 15%. Tổng kinh phí của chương trình là 4.715 tỉ đồng, trong đó phần vốn hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người lao động học nghề, học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại và giáo dục định hướng là 1.542 tỉ đồng … |
Điều đáng nói, mặc dù Quyết định 71 có nhiều ưu đãi, hỗ trợ người lao động (NLĐ) thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được miễn phí toàn bộ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại, giáo dục định hướng và được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp trước khi đi, nhưng không phải người nghèo nào cũng sẵn sàng xa nhà để ra nước ngoài làm việc.
Thực tế, những lao động đã đăng ký, tham gia học rồi bỏ giữa chừng với lý do gia đình không cho đi làm xa, con nhỏ, hoặc đã đi XKLĐ nhưng không quen tác phong công nghiệp nên bỏ dở hợp đồng về nước là rất nhiều...
Theo ông Trần Xuân Huy, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Si Ma Cai, trong số 90 lao động của huyện đi XKLĐ theo Chương trình 71 thì có 22 người về nước trước thời hạn.
Trong đó, nhiều người chưa quen với tác phong lao động công nghiệp, sinh hoạt còn nặng về phong tục tập quán, một số khác thì phá hợp đồng hoặc sức khỏe không đảm bảo. Ngoài ra, còn có 15% lao động sau khi được đào tạo định hướng, hoàn thiện thủ tục vay vốn nhưng bỏ dở giữa chừng.
Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang cũng thừa nhận, XKLĐ tại Hà Giang theo Quyết định 71 trong thời gian qua rất kém, hàng năm chỉ khoảng 30 đến 40 người đi, mặc dù kinh phí đầu tư cho chương trình không phải nhỏ.
“Có nhiều trường hợp, khi tuyên truyền bà con rất phấn khởi, nhưng khi học tiếng, làm thủ tục xuất cảnh thì lại bỏ về, động viên mấy cũng không đi nữa”- Ông Dũng chia sẻ.
Nên có cơ chế mới
Có thể nói, Quyết định số 71 đã tháo gỡ hàng loạt khó khăn, mở ra cơ hội cho NLĐ ở huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, nhưng con số trên 10.000 lao động được đưa đi theo chương trình này trong 5 năm qua đã cho thấy chưa đạt chỉ tiêu đề ra, một trong những cái khó đến từ những bất cập trong quá trình triển khai Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ.
Đó là tình trạng cán bộ địa phương làm công tác này hạn chế nên việc tuyên truyền, tư vấn và giới thiệu nguồn lao động cho doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại không thực hiện nghiêm túc quy trình đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho NLĐ, nên nhiều người khi ra làm việc ở nước ngoài không đáp ứng được yêu cầu công việc, bị chủ sử dụng trả lương thấp hơn hợp đồng.
Cơ quan quản lý về lĩnh vực này cũng thiếu đôn đốc, kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện của địa phương, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục QLLĐNN cho biết, việc thực hiện đề án vẫn còn một số hạn chế, dẫn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu của đề án còn thấp so với yêu cầu.
Hạn chế lớn nhất vẫn là do trình độ văn hoá, tay nghề, nhận thức của NLĐ còn thấp. Về sức khỏe NLĐ, đến 16,8% lao động không đủ sức khỏe vòng tuyển chính thức để đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt, tỷ lệ lao động bỏ về trong thời gian đào tạo và không xuất cảnh khá cao. Hạn chế tiếp theo là đề án triển khai trong bối cảnh việc làm ngoài nước đang gặp khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu; số lượng hợp đồng khai thác chưa được nhiều hợp đồng phù hợp với lao động huyện nghèo.
Ông Quỳnh nhấn mạnh: Doanh nghiệp đưa người đi XKLĐ tham gia Đề án cũng đã tự mình gây ra khó khăn. Cụ thể, họ đã buông lỏng quản lý, không kiểm soát gắt gao, để xảy ra tình trạng làm ăn chộp giật hoặc giao phó toàn bộ công việc cho chi nhánh doanh nghiệp dẫn đến làm sai quy trình tuyển chọn, quy trình đào tạo, hoặc chậm trễ trong khâu tổ chức xuất cảnh, gây mất niềm tin đối với NLĐ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai đề án.
Một số doanh nghiệp vẫn còn hiện tượng tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho NLĐ chưa đầy đủ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để xử lý thu hồi nợ vay của NLĐ.
Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn đào tạo tại một số địa phương cũng chưa thường xuyên, chưa phù hợp. Lực lượng cán bộ làm công tác XKLĐ ở các huyện, xã còn mỏng, lại phải tham gia vận động tuyên truyền trên địa bàn rộng, dân cư phân tán, đi lại khó khăn, nên thường chỉ triển khai công tác tuyên truyền khi có doanh nghiệp về tuyển chọn lao động tại địa bàn.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, cần sớm thay đổi mạnh mẽ cách triển khai để Quyết định 71 phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Mấu chốt vẫn là việc tạo nguồn lao động.
Doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng nhưng lại thiếu nguồn tốt để tuyển chọn. Do đó, thời gian tới đây, địa phương cần đẩy mạnh vai trò tư vấn cho lao động và tham gia cùng với doanh nghiệp đào tạo lao động; doanh nghiệp đưa lao động huyện nghèo đi dù là bất cứ hợp đồng nào, đi cùng với lao động ở những vùng khác cũng sẽ được thanh toán chi phí, không cần phải đi theo nhóm hợp đồng riêng biệt như trước.
Bộ cũng xem xét trao đổi với Bộ Tài chính về việc đổi mới quy trình thanh toán cho doanh nghiệp tham gia đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hướng đơn giản, gọn nhẹ hơn; thực hiện quy trình giám sát “đầu ra” chặt chẽ hơn, thay vì kiểm soát “đầu vào” bằng quá nhiều thủ tục như hiện nay.
Đồng thời, sẽ kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm những doanh nghiệp để xảy ra rủi ro đối với người lao động mà không xử lý kịp thời sẽ bị xử lý nặng theo qui định.
Ông Nguyễn Đức Lành, Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH Lào Cai: Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương Qua việc thực hiện đề án 71 tại Lào Cai, chúng tôi kiến nghị các doanh nghiệp cần có sự quan tâm, phối hợp tốt hơn nữa với địa phương trong tuyên truyền, tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng, tạo thuận lợi cho người lao động đi xuất khẩu lao động; khắc phục những tồn tại mà nguyên nhân thuộc về chủ quan của doanh nghiệp. Rà soát, thanh lý hợp đồng, chốt nợ và thanh toán dứt điểm tiền nợ đọng cho người lao động do: Không được xuất cảnh, về nước trước thời hạn không do lỗi của người lao động (việc làm, thu nhập, nơi ăn ở sinh hoạt,... không đúng hợp đồng đã giao kết)... Thông tin đến với lao động huyện nghèo còn hạn chế Theo đại diện Cty đào tạo nghề, XKLĐ - đơn vị trực thuộc Cty TNHH MTV vật tư công nghiệp quốc phòng (GAEP): "Trong quá trình triển khai Quyết định 71, các doanh nghiệp được thực hiện chương trình này đều có những khó khăn tương tự nhau. Ví như, trình độ hiểu biết của con em đồng bào dân tộc còn hạn chế, lượng thông tin đến với họ cũng rất ít, nhiều người chưa thạo tiếng Kinh, việc tuyên truyền của cán bộ, nhất là tại các xã và thôn bản còn nhiều bất cập. Khi chúng tôi đến làm việc trực tiếp thì nhiều xã chưa nắm rõ chương trình này, do vậy việc vào cuộc của cán bộ xã và các trưởng thôn, trưởng bản rất hạn chế. Trong thời gian tới, chúng tôi xác định thực hiện chương trình này với tinh thần quyết tâm cao và triển khai một cách sâu rộng hơn nữa Quyết định 71 ở những tỉnh có huyện nghèo.chúng tôi cũng hy vọng sẽ đưa con em các huyện nghèo đi lao động nước ngoài có mức thu nhập cao hơn". |