THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:07

Gỡ “ách tắc, vướng mắc” cho nhà ở xã hội

Trong đó, ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để xây dựng NƠXH thuộc sở hữu Nhà nước. Sử dụng quỹ đất 20% đất ở tại các dự án để xây dựng NƠXH. Tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản thủ tục trong việc cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.

Thời gian qua, việc giải quyết nhu cầu về NƠXH cho người dân luôn được Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong muốn. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp đang ngày càng bức thiết nhưng câu chuyện phát triển NƠXH nhiều năm qua luẩn quẩn với hàng loạt nút thắc chưa được tháo gỡ.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp (giá từ 20 triệu đồng/m2 trở xuống) giảm từ 51% năm 2019 xuống còn 1% vào năm 2020. Đây là con số báo động cho sự lệch pha của cơ cấu nhà ở, đòi hỏi các chính sách cần thiết để ổn định thị trường nhà ở.

Gỡ “ách tắc, vướng mắc” cho nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Sinh sống và làm việc tại TP.HCM hơn 20 năm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa với công việc cũng tạm ổn định. Nhưng bao nhiêu năm tích góp cũng không đủ tiền mua nhà, mong muốn có được căn nhà "an cư lập nghiệp", gia đình chị quyết tìm mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên đến nay, gia đình chị Hoa vẫn chật vật tìm kiếm mà chưa mua được. "Để sở hữu được căn NƠXH, người mua phải nộp hồ sơ từ lúc dự án bắt đầu khai móng thì mới có suất. Lúc đó, giá rơi vào khoảng dưới 15 triệu đồng/m2, còn nếu mua nhà ở thương mại thì giá cao hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng mua được NƠXH vì phải cần rất nhiều thủ tục", chị Hoa chia sẻ.

Không những gia đình chị Hoa mà rất nhiều hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu mua NƠXH, tuy nhiên rất ít người trong số đó đạt được ước nguyện. Bởi vì nguồn cung NƠXH không đáp ứng đủ nhu cầu thực của người dân. Số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, NƠXH tại TP.HCM chỉ chiếm khoảng 3% tổng diện tích sàn xây dựng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM  có 23 dự án NƠXH hoàn thành và đưa vào sử dụng cung ứng hơn 1 triệu m2 sàn nhà ở ra thị trường (tương ứng khoảng 17.900 căn hộ). Trong khi đó, nhu cầu NƠXH giai đoạn này lên tới 80.000 căn hộ.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến phát triển khoảng 25.000 căn NƠXH. Để đáp ứng mục tiêu đề ra, Sở Xây dựng Thành phố có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện 19 dự án NƠXH hiện hữu; cập nhật, rà soát các dự án nhà ở thương mại có quy mô 10 ha đã xác định quỹ đất 20% để thực hiện các dự án NƠXH, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xây NƠXH trong các dự án này. Kế hoạch là vậy, nhưng để huy động nguồn lực xã hội vào phân khúc nhà ở này là bài toán không dễ giải.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), từ năm 2020 thị trường bất động sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn không chỉ do yếu tố dịch bệnh Covid-19 mà còn bởi sự chồng chéo trong các luật, như Luật Nhà ở, Luật Đất đai. Chỉ tính riêng loại hình nhà ở xã hội, HoREA cũng từng nhiều lần gửi các văn bản kiến nghị về nhiều "điểm nghẽn" khiến bế tắc đối với cả nguồn cung và nguồn cầu của loại hình nhà ở này.

Về phía nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp than phiền về khó tiếp cận vốn, bị giới hạn lợi nhuận 10%, trong khi vẫn gặp rủi ro pháp lý là những rào cản về chính sách, thủ tục hành chính. Về phía người dân dù có đầy đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội nhưng cũng phản ánh tình trạng chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Gỡ “ách tắc, vướng mắc” cho nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Để giải bài toán nhà ở cho người dân, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phân tích, chủ đầu tư dự án NƠXH và cả người mua dòng sản phẩm này đều chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ách tắc nguồn vốn là điểm nghẽn lớn nhất trong nhiều năm qua, do chậm bố trí nguồn vốn ngân sách (làm vốn mồi) để thực hiện chính sách NƠXH.

"Nguồn vốn mồi từ ngân sách Nhà nước giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển NƠXH. Cụ thể, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, với 1 đồng từ ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng từ nguồn vốn xã hội (gấp 33 lần). Trên thực tế, hiện các ngân hàng cho vay dự án NƠXH, nhưng chủ đầu tư và người mua đều phải vay lãi suất thương mại 9-10% một năm. Điều này khiến người mua NƠXH túi tiền vốn đã eo hẹp lại càng gặp khó khăn trong việc trả nợ, trả lãi vay", ông Châu cho biết thêm.

Để giải bài toán nhà ở cho người dân, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Sử dụng quỹ đất 20% đất ở tại các dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tiếp tục Cải cách hành chính, đơn giản thủ tục trong việc cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Đồng thời khi xây dựng thành phố Thủ Đức, thành phố sẽ ưu tiên quỹ đất để dành cho nhà ở xã hội, nhằm bảo đảm an sinh xã hội…

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh