CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:49

Nhà ở cho công nhân: Nhiều chính sách nhưng thực thi chưa hiệu quả

Bức thiết nhà ở cho công nhân

Dời quê lên Hà Nội lập nghiệp với mong muốn có cuộc sống sung túc hơn, nhưng sau 10 năm làm việc ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) vợ chồng anh Mai Văn Hải (quê Thanh Hóa) vẫn chưa thể có tiền để sở hữu một căn hộ chung cư. Anh Hải cho biết: "Lương mỗi tháng của 2 vợ chồng xấp xỉ 17 triệu đồng. Cuộc sống hằng ngày biết bao khoản phải chi, như tiền thuê nhà, tiền học cho 2 con… Mà tìm được căn hộ vừa túi tiền đâu phải dễ, chưa kể phải di chuyển nhà liên tục vì nhiều yếu tố. "Trong Công ty tôi, đa số công nhân phải thuê phòng trọ, điều kiện ăn ở không đảm bảo. Vì vậy chúng tôi rất mong có được một nơi an cư để yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống".

Nhà ở cho công nhân: Nhiều chính sách nhưng thực thi chưa hiệu quả - Ảnh 1.

Nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động rất lớn.

Đồng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Mạnh (quê Bắc Giang), công nhân Công ty Panasonic cho biết, có 2 vấn đề lớn đối với công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công ngiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) là nhà ở và trường học cho con. Nhu cầu rất cao nhưng tỷ lệ đáp ứng lại rất thấp, hầu hết công nhân lao động đều phải thuê nhà ở và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục, nên chi phí sinh hoạt khá cao.

Mong muốn chung của nhiều công nhân ở các KCN, KCX toàn quốc là được thuê nhà ở hoặc mua nhà có sự hỗ trợ của Nhà nước, có nhiều trường công lập gần các KCN để công nhân lao động ngoại tỉnh yên tâm ổn định cuộc sống và làm việc.

Hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân làm việc tại các KCN, KCX, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở các KCN cho thấy, do thiếu thốn về nhà ở, hàng triệu công nhân đã phải thuê nhà trọ bên ngoài trong điều kiện sinh hoạt chật chội, tạm bợ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tác động xấu đến năng suất lao động, đó là chưa kể vấn đề an ninh ở các khu trọ khá phức tạp.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 tầm nhìn 2030, đến nay cả nước đã hoàn thành 249 dự án NƠXH khu vực đô thị và công nhân KCN, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn với tổng diện tích gần 11 triệu m2. Trong đó, Chương trình phát triển NƠXH dành cho công nhân KCN, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 111 dự án, quy mô xây dựng khoảng 47.000 căn hộ với tổng diện tích hơn 2,3 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 90.500 căn hộ, tổng diện tích hơn 4,5 triệu m2. Kết quả mới đạt khoảng 42% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là 12,5 triệu m2 nhà ở.

2 nút thắt NƠXH

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho rằng, có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phát triển NƠXH chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đó là: Tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, KCN chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH, hoặc có bố trí nhưng lại ở những vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng... dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án NƠXH... Cùng đó, hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển NƠXH, trong đó ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giai đoạn 2016 - 2020 đạt thấp, khoảng 2.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của NHCSXH); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NƠXH đến nay chưa được bố trí. Vì vậy, có nhiều dự án NƠXH không thể triển khai thực hiện do không có vốn.

Nhà ở cho công nhân: Nhiều chính sách nhưng thực thi chưa hiệu quả - Ảnh 3.

Sớm tháo gỡ những vướng mắc nhà ở công nhân.

Muốn giải quyết tốt vấn đề này cần phải gỡ 2 nút thắt lớn nhất là vốn và quỹ đất sạch cho thị trường. Theo kinh nghiệm từ TP.Hồ Chí Minh, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các KCN TP.Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, quỹ đất đầu tư xây dựng phải nằm ngoài KCN. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất từ trước. Đồng thời các sở, ngành phải tích cực hỗ trợ đồng bộ về vốn, thủ tục cho các DN đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Ngoài việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp nước) thì cần nghiên cứu bổ sung để các DN đầu tư nhà xã hội được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng (thuế suất 0%), miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm...

Phó Cục trưởng Hà Quang Hưng cho biết, để thúc đẩy phát triển NƠXH, vừa qua Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH nhằm tháo gỡ một số tồn tại, vướng mắc như: Quy định về việc bố trí quỹ đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị để phát triển NƠXH; về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH; về quy trình, thủ tục xét duyệt, mua bán NƠXH...

Cũng theo ông Hà, dự kiến cuối quý II/2021, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn các nhiệm vụ được Chính phủ giao trong Nghị định số 49 trong đó có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH, một trong những vướng mắc lớn trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, có một số vấn đề bất cập liên quan đến phát triển NƠXH chưa thể tháo gỡ được ở Nghị định số 49 do vướng mắc quy định của Luật Nhà ở 2014. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược nhà ở quốc gia mới thay thế Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tại địa phương.

Đặc biệt, về vốn vay, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam, NHCSXH báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay NƠXH và bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để cho vay NƠXH. Theo đó, đề nghị bổ sung khoảng 1.000 tỷ đồng cho NHCSXH theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và khoảng 2.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng để thực hiện hỗ trợ cho vay NƠXH.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh