Giúp trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có cuộc sống tốt đẹp hơn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:56 - 30/12/2015
Trẻ em nhiễm HIV/AIDS được cộng đồng yêu thương, chăm sóc tại Trung tâm Giáo dục - Lao động số II Hà Nội.
Những tuổi thơ bất hạnh
Tôi đã được nghe câu chuyện đầy nước mắt, của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Hương (37 tuổi) - người không may bị nhiễm HIV (ở thôn Đồng Lạc, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội). Trong thời gian chồng chị đi làm thuê dưới Hà Nội, đã quan hệ với gái mại dâm và bị nhiễm HIV rồi đổ bệnh sang chị. Ngày con chào đời, cũng là ngày định mệnh nghiệt ngã giáng xuống khi chị biết mình bị nhiễm HIV. Ác thay, gia đình chồng không đón nhận hai mẹ con nên chị phải làm một túp lều ngoài rìa xóm để ở. Cuộc sống của mẹ con chị như địa ngục. Con được hơn tháng, chị Hương phải đi nhặt rác kiếm sống từ 3 giờ sáng để lại đứa con còn đỏ hỏn trong lều. Nhiều hôm về con khóc tím tái, chị đau đớn vật vã nghĩ tới cái chết, nhưng nhìn con lại không đành lòng vì bé chưa nhiễm HIV. Song, cuộc đời của hai mẹ con chị sẽ đi về đâu, nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng?
Trong lần xuống TP. Hải Phòng, tôi được gặp gia đình bé Quang (bị nhiễm HIV) từ mẹ. Do cha mẹ sống lang bạt kì hồ, Quang không được khai sinh. Khi bố Quang chết vì HIV/AIDS, người mẹ thấy con lở loét đầy người liền vứt bé về cho ông bà nội (cũng phải thuê nhà sống) để chạy theo người đàn ông khác. Lúc chủ nhà phát hiện Quang bị nhiễm HIV, đã chấm dứt hợp đồng. Ông bà và đứa cháu nhỏ lại lếch thếch đi tìm nhà trọ khác, chỗ nào lâu được 5 -7 tháng, biết ông bà nuôi cháu bé bị HIV là chủ nhà lại hắt hủi đòi nhà. Những ngày tháng buồn tủi, cứ gắn liền với gia đình Quang triền miên.
Sự phân biệt, kỳ thị đối xử luôn xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào phải sống chung với HIV/AIDS và chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS. Một em gái bị HIV ở An Giang cho biết: “Trước đây, cô giáo rất yêu thương cháu, thỉnh thoảng nhờ cháu giúp đỡ các bạn trong lớp. Khi cô biết cháu bị nhiễm HIV, cô đã không cho cháu chơi với các bạn nữa…”. Còn đây là lời tâm sự của một em trai mồ côi cha do AIDS ở Hà Nội: “Trong lớp, một số bạn biết cha cháu bị nhiễm HIV nên hay rủa cháu: “Mày là con thằng nghiện, thằng HIV/AIDS, chúng tao không giây với mày” và cháu rất tủi thân…”
Dù nhiễm HIV/AIDS, em vẫn có quyền được sống như mọi trẻ em bình thường, không bị kỳ thị và phân biệt đối xử.
Cần chăm sóc, bảo vệ, không kỳ thị trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật và thực thi một số chương trình phòng chống HIV/AIDS như: “Chương trình Hành động Quốc gia về thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi về Phòng chống HIV đến năm 2010”, “Luật Phòng chống HIV/AIDS”, Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020… Trong “Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em” nêu rõ: Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không nên bị phân biệt đối xử, được nuôi dưỡng ở trong gia đình hoặc tại các trung tâm chăm sóc hỗ trợ… Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng, để bảo vệ các quyền cơ bản của người nhiễm HIV và là các công cụ để chống kỳ thị và phân biệt đối xử.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm sóc tới những đối tượng nhiễm HIV, trong đó có trẻ em. Mục tiêu chính của Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 là: 90% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định. 90% cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.100% trường học tạo cơ hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu.
Thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, ngay từ năm 2012, Bộ LĐTBXH đã phối hợp liên ngành để triển khai thí điểm Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (mô hình) tại 8 tỉnh: Thái Nguyên, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định, Khánh Hòa, Yên Bái, Quảng Nam và Phú Thọ. Mô hình này giúp trẻ em nhiễm HIV/AIDS được hưởng các dịch vụ theo yêu cầu và là cơ sở để đúc rút kinh nghiệm giúp cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được tốt hơn.
Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, mặc dù công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng, nhưng công tác chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ cơ bản cho các em... Có không ít em vẫn phải chịu sự kỳ thị, phân biệt. Nhiều gia đình chưa tiếp cận được các dịch vụ theo yêu cầu. Một số cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ chưa có những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS…
Để những điều luật và các mục tiêu của các chương trình hành động quốc gia về trẻ em và HIV/AIDS đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người trong xã hội về HIV/AIDS. Tổ chức tốt Tháng Hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS hàng năm. Trước mắt, cần nhân rộng triển khai các Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em ảnh hưởng bởi HIV/AIDS sang các địa phương khác. Và các chế độ dành cho trẻ em chịu ảnh hưởng do HIV/AIDS phải được gắn kết hoặc lồng ghép với các chính sách bảo vệ trẻ em mồ côi.
Đồng thời, có sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan, trong việc cung cấp và kết nối dịch vụ hỗ trợ y tế và giáo dục cho trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS một cách chặt chẽ hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường các tiết học chống phân biệt, đối xử và kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS vào chương trình ngoại khóa, đưa ra những thông tin chính xác về HIV cho giáo viên và phụ huynh cũng như cho trẻ, để xóa bỏ sự sợ hãi, đe dọa đối với người nhiễm HIV ở cả hệ thống trường bán công, tư thục và công lập… Ngành y tế, cần có nhiều nỗ lực mang tính hệ thống nhằm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử tại các cơ sở y tế. Tất cả nhằm giúp trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng do HIV/AIDS có cuộc sống tốt đẹp hơn.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Hàng nghìn CEO trên toàn cầu tự tin về triển vọng tăng trưởng như chưa hề có đại dịch
Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp lớn nhất thế giới ngày càng lạc quan về triển vọng của doanh nghiệp mình. Mặc dù biến thể Delta làm chậm quá trình "trở lại bình...
3 năm trước
Tin nên đọc