THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:10

Giúp phụ nữ, trẻ em tránh nguy cơ bị bạo lực, xâm hại khi cách ly tại nhà

Nhận diện các hình thức bạo lực trẻ em và phụ nữ

Theo đó, để phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, các cán bộ cơ sở tham gia quá trình hỗ trợ cách ly và giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 cần trao đổi với các gia đình về những hình thức bạo lực trẻ em và phụ nữ.

Đa dạng các hình thức phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đa dạng các hình thức phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bạo lực tinh thần là lăng mạ; mắng/chửi; đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi; gây áp lực về tâm lý, ngăn cản việc thực hiện quyền, hay tạo áp lực căng thẳng (học tập, chứng kiến bạo lực gia đình), uy hiếp, đập phá đồ đạc, chiến tranh lạnh.

Bạo lực thể chất là hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi; xâm hại đến sức khỏe, tính mạng. Xâm hại tình dục là việc dùng vũ lực, đe dọa, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em/phụ nữ tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm: Hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô và sử dụng trẻ em/phụ nữ vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Bạo lực kinh tế đối với phụ nữ là hành vi ngăn cản phụ nữ làm việc tạo ra thu nhập hoặc quản lý chặt chẽ thu nhập của phụ nữ dù không có sự đồng ý của họ, từ chối đưa tiền để chi trả cho sinh hoạt gia đình, từ chối chia sẻ việc nhà và kiểm soát sự tự do của phụ nữ.

Cùng với đó, tư vấn cho các thành viên người lớn trong gia đình cách phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Động viên các thành viên giữ bình tĩnh. Khi mọi người cảm thấy rất căng thẳng và có khả năng mất bình tĩnh thì hãy dừng lại 10 giây và hít thở chậm rãi 5 lần. Tránh không hành động lúc cáu giận. Tuyệt đối không trừng phạt bằng cách đánh đập, dùng lời lẽ xúc phạm hoặc xa lánh trẻ. Đặt ra các quy tắc rõ ràng và giải thích để trẻ hiểu rằng cần phải thực hiện và tuân thủ những quy tắc đó. Kiên nhẫn, dành thời gian nói chuyện với trẻ để tìm hiểu lý do và giúp trẻ điều chỉnh nếu trẻ không hợp tác. Nhắc nhở họ hướng dẫn và quản lý việc trẻ vào internet đảm bảo phù hợp với mục đích và nhu cầu chính đáng của trẻ, để tránh những nguy cơ trẻ bị xâm hại trên mạng. Khuyến khích họ tự biết chăm sóc bản thân, giải tỏa căng thẳng, trong đó có việc chia sẻ với người mà họ tin cậy.

Luôn đảm bảo bí mật danh tính của nạn nhân

Cán bộ cơ sở cần tư vấn cho các thành viên người lớn trong gia đình cách phòng ngừa bạo lực với phụ nữ bằng cách để ý những dấu hiệu của người chồng trước khi gây bạo lực như: Tay nắm chặt, mắt trợn, giọng nói to hơn, răng nghiến lại hoặc lầm lỳ không nói gì… Kiềm chế cơn nóng giận của bản thân. Luôn mang theo điện thoại di động bên mình. Hãy chuẩn bị một túi an toàn bao gồm: Các giấy tờ quan trọng như chứng minh thư nhân dân, giấy khai  sinh của (các) con, thẻ bảo hiểm; một ít tiền mặt; quần áo của bản thân và (các) con; dụng cụ vệ sinh cá nhân như khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, băng vệ sinh; còi, đèn pin. Để chúng ở nơi an toàn và dễ lấy trong trường hợp cần thoát thân và gửi cho một người tin cậy. Thường xuyên liên hệ và thông báo tình hình với người mà họ tin cậy một cách bí mật. Có thể thống nhất một số mật ngữ đơn giản mà người gây bạo lực không nghi ngờ và người mà họ tin cậy có thể hiểu về tình trạng khẩn cấp của họ và có hành động trợ giúp ngay khi cần.

Tư vấn cho các thành viên người lớn trong gia đình cách xử lý khi bạo lực xảy ra với trẻ em và phụ nữ bằng cách nói không và yêu cầu người gây bạo lực dừng lại một cách kiên quyết. Kêu to phát tín hiệu cấp cứu. Nhắn tin/gọi điện cho người mà họ tin tưởng với mật ngữ đã thống nhất nếu có thể. Không chạy vào các góc chết như: Tủ, phòng tắm, nhà bếp và không gian nhỏ. Tìm cách tự bảo vệ an toàn cho mình và các con, ngay cả khi có thể phải thỏa hiệp tạm thời với người gây bạo lực. Tìm cách thoát ra khỏi nơi xảy ra bạo lực ngay lập tức và càng nhanh càng tốt. Gọi điện thoại cho cơ quan công an, cơ quan LĐ-TB&XH địa phương, UBND các cấp, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và các cơ quan có thẩm quyền gần nhất, các cơ sở dịch vụ thiết yếu để thông báo và để yêu cầu được giúp đỡ, bảo vệ.

Cung cấp và kết nối với các số điện thoại và dịch vụ trợ giúp sau đây cho các gia đình: Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em111; cơ quan LĐ-TB&XH các cấp; cơ quan công an các cấp; UBND cấp xã/phường; Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 1900.969.680.

Khi tiếp nhận thông báo hoặc nghi ngờ có xảy ra bạo lực, xâm hại tình dục cần lưu ý: Đảm bảo bí mật danh tính của nạn nhân. Ghi chép lại các thông tin và tình huống xảy ra. Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý tình huống. Xem xét việc hỗ trợ về tâm lý và y tế nếu cần thiết. Nếu không thể xử lý được tình huống, hãy báo với người có kinh nghiệm và có trách nhiệm cao hơn. Kết hợp giữa hình thức liên hệ từ xa (qua điện thoại) và liên hệ trực tiếp khi cần thiết trong quá trình can thiệp, hỗ trợ. Khi tiếp xúc với trẻ em và gia đình cần tuân thủ các biện pháp bảo hộ an toàn phòng dịch theo quy định.

Theo UNICEF, nhằm bảo đảm an toàn, phòng chống xâm hại trẻ em và bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt phụ nữ và trẻ em, các cán bộ cơ sở tham gia quá trình hỗ trợ cách ly và giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 cần biết hướng dẫn này.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh