CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:24

Gia đình cần mạnh dạn tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em

Đẩy mạnh truyền thông nhiều hơn nữa để phòng, chống xâm hại trẻ em

Theo báo cáo số 51/BC-CP của Chính phủ ngày 18/2/2020, thủ phạm các vụ xâm hại trẻ em thì người quen, hàng xóm chiếm 59,4%, người thân trong gia đình 21,3%, giáo viên, nhân viên nhà trường chiếm 6,15%, các nhóm khác là 13,15%.

Gia đình cần mạnh dạn tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Toà án nhân dân huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) xét xử công khai vụ án hiếp dâm trẻ em.

Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam cho biết, tình trạng bố mẹ ly hôn, ly thân hay phải đi làm xa ngày càng tăng khiến nhiều trẻ em phải sống trong môi trường với cha dượng, hay ở nhà với ông bà họ hàng. Điều này khiến cho rủi ro các em bị xâm hại tăng lên. "Bên cạnh đó, công tác quản lý xã hội của chúng ta vẫn chưa tốt. Trẻ em vẫn còn non nớt và chưa biết cách bảo vệ mình. Vì thế, cần phải truyền thông mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời hành động thật nhanh để có thể hỗ trợ các em và gia đình nhanh nhất có thể", bà Hồng nhấn mạnh.

Xét ở góc độ pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu xét về đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em, có thể chia làm 2 nhóm: Nhóm đối tượng có ham muốn tình dục bất thường và nhóm đối tượng có nhân cách, đạo đức thấp kém. Tuy nhiên, dù là nhóm đối tượng nào, kẻ xâm hại đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Từ ngày 31/12/2020, Bộ Y tế đã có quy trình hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục. Quy trình này đã bước đầu tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và những người tham gia vào hoạt động giám định pháp y đều có đủ trình độ, trang thiết bị đủ chất lượng để thực hiện giám định.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho rằng, hiện quy trình tố tụng rất nghiêm ngặt và có sự tham gia của nhiều bên. Tuy nhiên, có thể thấy rất nhiều vụ việc đã tố tụng nhưng sau đó chìm đi hoặc kéo dài rất lâu, và dần dần gia đình sẽ thoả hiệp bởi gia đình nghĩ rằng trẻ em còn nhỏ, tổn thương vẫn chưa đủ sâu sắc hay việc đưa vụ việc ra ánh sáng sẽ khiến trẻ em dễ bị xâm hại vào những lần tiếp theo.

Là người nhiều năm hỗ trợ các nạn nhân bị xâm hại, bà Nguyễn Khánh Linh (đại diện Nhà bình yên) cho rằng, việc truyền thông để giáo dục và nâng cao nhận thức cho bố mẹ, người chăm sóc trẻ là rất quan trọng để phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong 14 năm qua, Ngôi nhà bình yên đã hỗ trợ rất nhiều trường hợp nhưng so với con số thực tế thì sự giúp đỡ đấy vẫn là rất ít.

Cần hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em bị xâm hại

Một vấn đề được các khách mời đặt ra tại buổi tọa đàm là khi xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, gia đình nên thỏa hiệp với tội phạm hay mạnh dạn lên án, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật này. Bà Hồng cho rằng, khi con em bị xâm hại, các gia đình phải trình báo ngay dù kẻ xâm hại có hứa hẹn có đền bù bao nhiêu. Phải nghĩ rằng nhận đền bù cho con mình thì kẻ xâm hại vẫn sẽ nhởn nhơ ngoài cuộc sống. Hoặc nếu như chỉ sợ con mình bị bàn tán mới tí tuổi đã bị xâm hại, điều này có nghĩa là mình đang tiếp tay cho kẻ xấu.

Luật sư Cường cũng cho rằng, hậu quả để lại cho trẻ em nam khi bị xâm hại là rất lớn. Các em luôn cảm thấy mặc cảm dù các em không có lỗi. Vì vậy, trong quá trình tố tụng, nếu người tham gia tố tụng không có những chia sẻ, động viên thì các em sẽ cảm thấy cô đơn, lạc lõng.

Đối với trường hợp những sự việc kéo dài, nguyên nhân chủ yếu là những sự việc đã để quá lâu mới trình báo. Việc thoả thuận dấn sự sẽ kéo dài khoảng vài tháng và đến lúc đấy mới đưa ra pháp luật thì những chứng cứ, khám nghiệm pháp y tình dục rất khó để tìm. "Trong thời đại phát triển hiện nay, camera được lắp đặt ở rất nhiều nơi tuy nhiên bộ nhớ camera không nhiều. Vì vậy nếu phát giác mà chúng ta không trình báo sớm thì việc thu thập chứng cứ rất khó khăn. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người tố tụng cũng phải nâng cao hơn nữa thì mới có thể hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em sau khi bị xâm hại", luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, một số trường hợp gia đình không phối hợp trong quá trình điều tra vì họ không đủ tin tưởng để hợp tác và cũng có thể do họ bị đe doạ không được khai báo, trình báo. Hoặc nạn nhân có thể có những thay đổi tâm lý, không muốn hợp tác điều tra. Bà Linh cho biết, thường các nạn nhân đến với Nhà bình yên, các vụ việc thường đã xảy ra lâu rồi hoặc bị đe doạ không được trình báo. Các nạn nhân thường gặp nhiều vấn đề tâm lý. Nhiều gia đình không hiểu rằng họ cứ theo đuổi tìm lại công bằng, công lý nhưng lại bỏ quên nạn nhân với những ám ảnh tâm lý sâu sắc.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh