Nghĩa tình của những người lính
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 16:51 - 09/10/2016
Tạo nền tảng ban đầu
Thực hiện Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Cơ quan đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, công chức, viên chức nhận giúp đỡ hộ nghèo”, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Phú yên đã nhận giúp đỡ xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên). Là quê hương đồng khởi, mảnh đất thành đồng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau hơn 40 năm xây dựng và kiến thiết, Hòa Hiệp Nam đã hồi sinh và từng bước thay da đổi thịt, nhưng vẫn còn là xã bãi ngang đặc biệt khó khăn của tỉnh với hơn 300 hộ nghèo, nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng. 2 năm qua, BĐBP tỉnh đã huy động hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ giúp xã Hòa Hiệp Nam bê tông hóa đường nông thôn, lắp hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường trong khu dân cư, xây dựng khu văn hóa - thể thao cho thanh thiếu nhi, chỉnh trang các khu sinh hoạt cộng đồng trong các thôn, xóm… BĐBP tỉnh cũng đã nhận đỡ đầu nhiều học sinh nghèo học hết lớp 12 và trực tiếp giúp đỡ 15 hộ nghèo của xã này.
Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP tỉnh, cho biết: Để từng hộ dân thoát nghèo bền vững, cán bộ chiến sĩ BĐBP cùng các cán bộ của xã, thôn bàn bạc, tìm ra cách thức phát triển kinh tế phù hợp cho từng trường hợp. Chẳng hạn, hộ có đất, có điều kiện tổ chức chăn nuôi, trồng trọt thì giúp họ chọn vật nuôi, xây dựng chuồng trại…; đơn vị hỗ trợ con giống, thức ăn ban đầu. Hộ nào không đất sản xuất, người trong gia đình còn đủ sức khỏe để lao động thì đơn vị cử cán bộ đến khu công nghiệp, cảng cá… vận động các doanh nghiệp nhận họ vào làm công nhân, để có thu nhập ổn định…
Nuôi ước mơ làm giàu Chị Phạm Thị Nhiên ở thôn Thọ Lâm, một trong những người được BĐBP hỗ trợ vốn và hướng dẫn cách làm ăn, nay gia đình chị đã thoát nghèo, nhớ lại: “Hồi đó, gia đình tôi có đến 5 miệng ăn nhưng chỉ có 3 sào ruộng lúa nên thu nhập chẳng là bao. Hàng ngày, chồng tôi đi làm thuê, tiền công tối đa cũng chỉ 150.000 đồng, mà việc làm thì bữa có bữa không. Hai đứa con đầu học mới lớp 5 phải bỏ vì quá khó khăn. Mấy anh ở Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam thấy gia đình tôi có khu đất cát rộng quanh nhà nên chỉ cho cách làm kinh tế gia đình. Thế nhưng, gia đình tôi không có vốn. Các ảnh chở gạch, xi măng, cây trụ, lưới B40 tới xây chuồng trại, rồi tặng gia đình 1 cặp heo rừng lai làm giống, cộng với tiền thức ăn trong năm đầu mỗi tháng 200.000 đồng và hướng dẫn tỉ mỉ, từ cách chăn, thả, cho ăn thế nào cho phù hợp với giống heo này”.
Bộ đội giúp chị Nhiên làm kinh tế
Chị Nhiên cho biết, đến nay, cặp heo giống đó đã đẻ được 3 lứa, mỗi lứa từ 7-9 con. Cứ sau mỗi lứa heo đẻ, vợ chồng chị bán bớt một vài con lấy tiền chăm lo cuộc sống gia đình và giữ lại 1 cặp để nhân đàn. Giờ thì vợ chồng chị tập trung chăm sóc đàn heo 6 con và nuôi thêm đàn gà. Kinh tế gia đình dần khá lên.
Ước mơ làm giàu
Tương tự, gia đình anh Hội, chị Hạnh ở thôn Đa Ngư cũng vậy. 3 năm trước, tài sản của vợ chồng anh chị chỉ là một căn nhà mái tôn trống trên, hở dưới cộng với khoản nợ vài chục triệu đồng do nuôi tôm thua lỗ. Mấy sào ruộng tôm bán cũng chẳng ai mua, anh chị đành bỏ hoang, đi làm thuê đắp đổi qua ngày. Được cán bộ chiến sĩ Phòng Chính trị BĐBP tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng và cùng bàn bạc, chọn phương cách làm ăn, vợ chồng anh chị vào chợ, chọn mua 3 con heo giống về thả nuôi. Nhờ chịu khó chăm sóc hàng ngày theo hướng dẫn của ngành Thú y và những người có kinh nghiệm, sau 2 tháng rưỡi thả nuôi, lứa heo đầu tiên xuất chuồng, vợ chồng anh chị dư được 6 triệu đồng. Có được khoản tiền quý giá, anh chị mua tiếp cặp heo giống khác thả nuôi, rồi xuất bán.
Tích góp dần dần theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”, hiện gia đình anh chị vừa có heo trong chuồng, đàn vịt sau vườn, không còn lo cảnh thiếu trước hụt sau như trước. Đặc biệt, cuối năm ngoái, BĐBP và MTTQ tỉnh vận động, tài trợ gia đình anh chị 45 triệu đồng từ nguồn quỹ xây nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; bà con họ hàng, lối xóm đóng góp, cho mượn thêm 50 triệu đồng, anh chị đã thay căn nhà cũ dột nát bằng ngôi nhà xây khang trang. Điều này càng tạo thêm động lực để gia đình anh chị vươn lên thoát nghèo bền vững. “Tất cả những gì chúng tôi có được như ngày hôm nay là nhờ có sự giúp đỡ chân tình, thiết thực của BĐBP, MTTQ và cấp ủy, chính quyền địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn trước mắt, vươn lên trong cuộc sống, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn”, anh Hội thổ lộ.