THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:53

85% trẻ bị xâm hại từ người thân quen

Nạn nhân bị xâm hại ngày càng ít tuổi

Bà Phạm Thị Thoa, Phó trưởng Ban Gia đình xã hội (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) dẫn số liệu lấy nguồn từ Bộ Công an: Mỗi năm có từ 1.600 – 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số đó, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm tới 65%, số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm hơn 28%. Trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em, nạn nhân thường là các bé gái, số tuổi các bé bị xâm hại ngày càng trẻ, cá biệt có những nạn nhân mới vài tháng tuổi. Kẻ gây tội thường là những người quen biết, họ hàng, láng giềng. Đặc biệt, nhiều vụ thủ phạm chính là bố dượng, cậu, chú... của nạn nhân. Nghiên cứu cho thấy, có tới 85% trẻ bị xâm hại tình dục bởi những người quen biết.

 

Nguyên nhân làm gia tăng số lượng vụ xâm hại và bạo hành trẻ em là do thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng, nhiều cha mẹ nghĩ rằng họ có quyền dạy con bằng đòn roi, bằng sự sỉ nhục, hành hạ; nhận thức pháp luật của bố mẹ, người chăm sóc trẻ không gương mẫu, hay mắng chửi nhau trước mặt các con... khiến các em thực hiện hành vi bạo lực, hành vi giao cấu với nhau khi mà cả đối tượng và người bị hại đều đang ở độ tuổi còn quá trẻ. Các vụ án xảy ra rất đa dạng,  đa phần là do sự chủ quan của người lớn vô tình đẩy các bé trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục. Có không ít vụ vì mặc cảm, muốn cho êm chuyện, gia đình nạn nhân đã chấp nhận bồi thường mà không tố cáo, đưa ra pháp luật. Điều này vô tình làm cho nạn xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục phát triển, vì kẻ phạm tội không bị trừng phạt nghiêm minh để cảnh cáo, răn đe những kẻ khác.

 

Bố mẹ luôn gần gũi với các con. (Ảnh minh họa).

Có thể kể đến một số những nguyên nhân khác như do sự xâm nhập cuả các văn hóa phẩm đồi trụy, phim ảnh khiêu dâm, kích dục tràn lan, những trò chơi bạo lực... ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý của một bộ phận thanh  thiếu niên, do sử dụng rượu bia quá mức dẫn đến không kiểm soát được hành vi của mình. Nhiều gia đình bố mẹ mải mê kiếm sống, để trẻ ở nhà một mình không được ai bảo vệ, dẫn đến bị xâm hại...

 

Xử lý trách nhiệm người không tố giác tội phạm

Tại diễn đàn, các đại biểu thảo luận nhằm đưa ra những giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi xâm hại tình dục và bạo lực với trẻ em: Gia đình cần quản lý các con chặt chẽ hơn, đặc biệt nâng cao vai trò của người mẹ. Trong gia đình, người mẹ vừa là mẹ vừa là bạn với con gái, cần quan tâm đến con nhiều hơn và tư vấn tâm lý cho con. Các gia đình và nhà trường cần phối hợp để giáo dục kiến thức về giới tính, hướng dẫn các em có một lối sống lành mạnh, tránh xa văn hóa phẩm đồi trụy không phù hợp với chuẩn mực đạo đức; hướng dẫn các em các kỹ năng, ý thức tự bảo vệ mình trước những hành vi bạo lực và xâm hại tình dục.

 

Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, các cấp; nên tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ tại cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình và nhà trường, tăng cường trách nhiệm của nhà trường và chính bản thân trẻ em. Tăng cường quản lý nhà nước đối với loại hình dịch vụ văn hóa, nhất là quản lý mạng internet, ngăn chặn những phim ảnh có nội dung bạo lực, đồi trụy, các trò chơi trực tuyến có nội dung xấu.

 

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trong dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi sẽ có những quy định cụ thể về các quyền của trẻ em và bảo vệ trẻ em, đồng thời với việc quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, tổ chức và cá nhân trong việc phát hiện, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ cao hoặc đang bị xâm hại, bạo lực. Ngoài ra, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức xã hội trong việc giám sát, truyền thông và tham gia thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em cũng sẽ được quy định rõ hơn trong dự thảo Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em.

 

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Mặc dù hệ thống pháp luật không thiếu nhưng vẫn còn những khoảng trống về luật pháp bảo vệ riêng cho trẻ em. Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của người không tố giác tội phạm. Những trường hợp như thế này cần quy định trong luật cho cụ thể để tăng cường trách nhiệm của nhiều bên khi giải quyết vấn đề trẻ em bị xâm hại”.

 

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh