Giống giả, phân bón dởm bủa vây nông dân
- Pháp luật
- 09:09 - 16/11/2021
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2021 thắng lợi, tỉnh đã thanh kiểm tra vật tư đầu vào từ sớm. Trong đó, đối với phân bón, đã thanh tra kiểm tra trước vụ hơn 700 cơ sở kinh doanh giống vật tư, 61 cơ sở đã bị xử lý, 92 mẫu được lấy phân tích để đảm bảo chất lượng vật tư đầu vào trong niên vụ tới. Mỗi vụ sản xuất lúa, tỉnh Kiên Giang có nhu cầu rất lớn về giống, với trên 33.600 tấn giống/vụ.
Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng giữa các đại lý tới tay người nông dân nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Thực tế, có nhiều giống lúa dởm, chất lượng thấp bán trên thị trường đã gây thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh đó, giá bán giống lúa, nhất là những giống lúa bản quyền liên tục tăng (trước đây giá bán trung bình 13.500 đồng/kg, hiện nay đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg).
Về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện nay theo ghi nhận tại tỉnh Kiên Giang đang có mức tăng từ 30-40%, trong khi giá bán lúa không tăng. Vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn chưa được ngăn chặn rốt ráo. Vì vậy, ông Toàn đề nghị cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý để giá bán vật tư đầu vào không tăng thêm, chất lượng phân bón, giống được đảm bảo, giúp người nông dân thuận lợi trong việc giảm giá thành sản xuất trong vụ Đông Xuân.
Trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả. Thời gian qua, các ngành chức năng đã liên tiếp triệt phá hàng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả trên địa bàn cả nước. Tại Long An, lực lượng chức năng phát hiện Công ty TNHH Minh Phát có dấu hiệu sản xuất tiêu thụ phân bón giả. Tỉnh Bình Phước cũng vừa ra quyết định xử lý 4 trường hợp phân bón không đạt chất lượng, buộc tiêu hủy toàn bộ.
Sở Công Thương Vĩnh Long đã tịch thu 365 bao phân bón giả hiệu NPK cao cấp Canada không đạt 70% chất lượng so với các thông số đã công bố trên bao bì. Số phân này do Công ty Hà Tây (TP. Hồ Chí Minh) sản xuất và Doanh nghiệp tư nhân thương mại Thanh Phong phân phối. Gần đây nhất, Cục QLTT Sơn La đã xử phạt một cơ sở kinh doanh gần 2 tấn phân bón đã hết hạn sử dụng trên địa bàn 8.000.000 đồng. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng An Giang phát hiện hơn 100 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, chiếm nhiều nhất vẫn là mặt hàng phân bón.
Liên tục phát hiện và xử phạt nhưng phân bón giả vẫn tràn lan trên thị trường, khiến hàng triệu người nông dân đứng trước nguy cơ đe dọa và nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính đang phải gánh chịu thiệt hại. Theo các chuyên gia, để dẫn đến thực trạng như hiện nay là vì cả nước có quá nhiều cơ sở, nhà sản xuất (có tới trên 1.000 cơ sở với 7.000 chủng loại phân bón), nên phân bón giả dễ trà trộn, tiêu thụ dễ dàng và vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Mặt khác, do lực lượng quản lý về lĩnh vực này rất mỏng, kinh phí dành cho quản lý ít, đội ngũ quản lý không thống nhất, đặc biệt, các cán bộ được phụ trách không chuyên trách và thường xuyên bị thay đổi nên việc theo dõi nắm bắt tình hình không được hệ thống. Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, do số vụ việc bị khởi tố rất ít, đa phần áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, trong khi lợi nhuận từ phân bón giả rất lớn.
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho hay, hiện nay đang xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất phân phón, ngay cả với Bình Điền thì việc tìm nguồn cung cấp cũng đang gặp không ít khó khăn. Do các nguyên liệu nhập khẩu đều tăng giá mạnh nên các cơ quan chức năng cần có phương án giúp nông dân thích ứng và đối phó với tình hình này như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu.
Cũng theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử vi phạm xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Để ngăn chặn phân bón giả, các địa phương cần đưa ra hướng dẫn, khuyến cáo nông dân nhận biết phân bón giả, kém chất lượng. nên chọn mua phân bón ở các đại lý kinh doanh có uy tín và cam kết về chất lượng, không nên ham rẻ, ham khuyến mại mà mua phân bón không có thương hiệu...
Bộ NN&PTNT cho biết, hàng năm nước ta dùng trên 10 triệu tấn phân bón. Phân bón giả gây ra hệ lụy cực lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất xuống, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.
Thời điểm này, nông dân đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho nông sản. Một hướng đi bền vững là nông dân cần tìm cách giảm chi phí sản xuất. Một trong những giải pháp nhiều địa phương đang áp dụng là tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, hay tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp làm phân bón, giảm lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu.