THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:38

Giới trẻ với nguy cơ bị lạm dụng tình dục trên mạng

Nguy cơ bị xâm hại trực tuyến

“Lớn lên trong thế giới internet” là một nghiên cứu dựa trên kết quả thăm dò ý kiến của hơn 10.000 người độ tuổi 18 trên 25 quốc gia trên khắp thế giới. Nghiên cứu đã tiết lộ quan điểm của giới trẻ về những rủi ro họ gặp phải trong quá trình trưởng thành trong một thế giới ngày càng kết nối.

Ông Cornelius William, Phó Giám đốc Ban Bảo vệ Trẻ em của UNICEF cho biết: “Internet và điện thoại di động đã tạo ra một cuộc cách mạng và thay đổi việc tiếp cận thông tin của giới trẻ, nhưng kết quả thăm dò cho thấy, nguy cơ bị xâm hại trực tuyến đối với trẻ em là có thật. Trên toàn cầu, cứ 3 người dùng internet thì có 1 người là trẻ em. Những phát hiện mới này mang lại một cái nhìn cận cảnh quan trọng của chính giới trẻ. UNICEF mong muốn lan tỏa rộng rãi tiếng nói của người chưa thành niên nhằm giúp giải quyết nạn bạo hành, bóc lột, lạm dụng trên mạng, và đảm bảo rằng trẻ em có thể được hưởng lợi đầy đủ từ những lợi ích mà internet và điện thoại di động mang lại”.

Cũng theo báo cáo mới này, trẻ vị thành niên có xu hướng tự tin về khả năng đảm bảo an toàn cho bản thân, với gần 90% đối tượng được phỏng vấn tin rằng mình có thể tránh được các nguy cơ trên mạng.

Cần tư vấn để giới trẻ biết cách tự bảo vệ trên môi trường mạng

Hơn hai phần ba số em gái, tương đương 67% rất đồng ý rằng, các em sẽ lo lắng nếu nhận được những nhận xét hoặc yêu cầu tình dục qua mạng internet, con số này ở trẻ em trai là 47%. Khi những mối đe dọa trên mạng thực sự xảy ra, nhiều trẻ vị thành niên thường tìm sự trợ giúp ở bạn bè thay vì cha mẹ hay thầy cô giáo, nhưng chưa đến một nửa số em được phỏng vấn đồng ý rằng các em biết cách giúp một người bạn đang gặp nguy hiểm trên mạng.

71% thanh niên Việt Nam tin rằng lạm dụng trên mạng không xảy ra

Cũng theo kết quả nghiên cứu này, thanh niên 18 tuổi ở Việt Nam coi trọng an toàn trên mạng và nhận thức được rủi ro họ sẽ gặp phải trên internet. Tuy nhiên, thanh niên Việt Nam rất tự tin là bản thân họ sẽ không trở thành nạn nhân. Nếu họ cảm thấy bị đe dọa trên mạng, họ có thể nói chuyện với bạn bè và gia đình. 74% người được hỏi cho rằng, trẻ em và vị thành niên có rủi ro bị lạm dụng tình dục hoặc lợi dụng trên mạng. 41% nghĩ bạn bè mình tham gia vào các hành vi nguy hiểm trên mạng, nhưng 71% tin rằng bắt nạt và lạm dụng trên mạng sẽ không xảy ra với họ. 75% nói rằng họ sẽ nhờ cha mẹ hoặc người chăm sóc hỗ trợ nếu họ cảm thấy bị một người nào đó đe dọa hoặc họ cảm thấy không an toàn trên mạng. Tương tự, 73% nói rằng họ sẽ nhờ bạn bè, và 45% nói họ sẽ nhờ thầy cô giáo. Đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các bạn nữ có xu hướng nói chuyện với bố mẹ nhiều hơn nam nếu ai đó làm họ cảm thấy không an toàn trên mạng (80% nữ so với 71% nam). 92% nói rằng bảo vệ an toàn và thông tin cá nhân trên mạng là quan trọng. Có 94% tự tin về hành vi của mình và nói họ cảm thấy thoải mái trên mạng. 91% nói họ biết cách phòng tránh nguy hiểm và các tình huống rủi ro trên mạng và 76% cho biết họ đã học cách đối phó với những người đưa ra các nhận xét và yêu cầu về tình dục không mong muốn  trên mạng.

“Một điều đáng chú ý là chưa đến một nửa thanh niên Việt Nam tìm sự trợ giúp của thầy cô giáo khi các em bị đe dọa trên mạng. Trường học đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về an toàn trên mạng cho trẻ em. An toàn trên mạng nên được đưa vào giáo trình giảng dạy trong nhà trường. Trường học cũng cần có chuyên gia tư vấn và một hệ thống hỗ trợ giữa học sinh với nhau để giúp cho các em đang có trải nghiệm tiêu cực trên mạng”, ông Jesper Moller, Phó Đại diện UNICEF Việt Nam cho hay.

UNICEF và Liên minh Toàn cầu WePROTECT đang kêu gọi các Chính phủ xây dựng cơ chế ứng phó phối hợp giữa các hệ thống tư pháp hình sự  bao gồm thực thi luật và các khu vực về phúc lợi của trẻ em, giáo dục, y tế và công nghệ thông tin và truyền thông cũng như khối xã hội dân sự, để có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn khỏi bị xâm hại và bóc lột tình dục trên mạng. Ông William cho biết thêm: “Khi giới trẻ, Chính phủ, gia đình, khu vực công nghệ thông tin và truyền thông và cộng đồng cùng phối hợp, chúng ta sẽ có nhiều khả năng tìm ra cách tốt nhất để ứng phó với xâm hại và bóc lột tình dục trực tuyến và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, phải hành động để chấm dứt bạo hành trên mạng đối với trẻ em”.

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh