Giới trẻ và khoảng trống về kiến thức giới tính
- Y học 360
- 14:14 - 07/03/2016
Kiến thức về sức khỏe sinh sản của thanh niên còn hạn chế
Theo “Báo cáo Quốc gia về Thanh niên Việt Nam” do TS. Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ trình bày cho thấy, tổng số thanh niên năm 2014 là hơn 25 triệu người, chiếm 27,7% dân số. Trong đó, nam thanh niên chiếm 50,9% và nữ thanh niên chiếm 49,1%; thanh niên khu vực nông thôn chiếm 70,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên Việt Nam có trình độ học vấn từ cao đẳng đại học trở lên còn thấp; có sự khác biệt về trình độ học vấn theo vùng miền, điều kiện kinh tế hộ gia đình và nhóm dân tộc.
Một buổi tư vấn về sức khỏe sinh sản cho giới trẻ.
Mới có 4,282% tổng số thanh niên tốt nghiệp đại học trở lên; thất nghiệp trong khi nhóm dân số từ 16-30 tuổi chiếm 38% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên của cả nước; thất nghiệp thành thị cao hơn nông thôn, nữ giới cao hơn nam giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng trong các nhóm tuổi. Nhóm tuổi trẻ chưa có chồng là nhóm có nhu cầu tránh thai cao nhưng lại có tỷ lệ chưa được đáp ứng cao nhất (chiếm 31,4%). Qua khảo sát thực tế tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam, cũng như tại các trường đại học cho thấy kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục của thanh niên tại khu vực này rất hạn chế”.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, bảo vệ quyền của thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên hoàn thành bậc học THCS, dạy các em kỹ năng sống cần thiết, hỗ trợ tìm việc làm phù hợp, bảo đảm thanh niên được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục… là các nền tảng thiết yếu để thanh niên bắt đầu một giai đoạn trưởng thành khỏe mạnh và thành công. Quá trình này đòi hỏi phải có sự đầu tư thực sự và cần sự hợp tác, phối hợp của tất cả các ban ngành.
Chịu hậu quả lớn vì thiếu kiến thức
Hiện có nhiều thông tin, con số chưa xác đáng về tỉ lệ trẻ vị thanh niên ở Việt Nam có quan hệ tình dục. Trẻ vị thanh niên quan hệ tình dục quan hệ sớm để lại hậu quả nặng nề chiếm tỉ lệ cao. Điều này dẫn đến Việt Nam nằm trong nhóm những nước có tỷ lệ phá thai cao trong thế giới và hàng năm luôn đứng đầu Đông Nam Á. Trong báo cáo năm 2014 của Tổng cục Thống kê, mỗi năm có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai. Nếu như tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 5 - 7% tổng số ca nạo phá thai trong các năm trước, thì đến nay, tỉ lệ đó đã tăng lên 18 - 20%. Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về số liệu nạo phá thai trên. Bởi hàng ngày, những phòng khám tư nhân vẫn đỏ đèn, nạo phá thai cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người mà không thể thống kê.
Các em cần được trang bị kiến thức sức khỏe sinh sản.
Để giải quyết tình trạng trên, việc cần làm ngay chính là cung cấp những kiến thức về sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục an toàn cho các em. Tuy nhiên, đến nay, trong xã hội vẫn tranh cãi giữa một bên cho rằng như thế là “vẽ đường cho hươu chạy” và một bên cho rằng thà vẽ đường để hươu biết chạy còn hơn để hươu chạy lung tung. Lâu nay, người lớn thường dùng phương pháp hù dọa, đưa ra các lý do ngăn cấm trẻ quan hệ tình dục dựa trên nỗi sợ của đứa trẻ như mất trinh tiết, có bầu, mất danh dự và không thể lấy chồng... Những kiểu “hù dọa” này đã không còn nhiều tác dụng khi hàng ngày các em tiếp xúc với nhiều luồng thông tin trên mạng Internet cùng việc không được trang bị kiến thức khoa học dẫn nguy cơ quan hệ tình dục sớm rất lớn, dẫn đến hậu quả xấu. Thực tế cho thấy, độ tuổi dậy thì của các em ngày càng sớm. Nhiều em gái bắt đầu dậy thì từ bậc tiểu học. Ham muốn sinh dục của các em là hoàn toàn tự nhiên và lúc này các bé gái có khả năng mang thai nếu có quan hệ tình dục. Bởi vậy, các em cần được trang bị sớm về kiến thức giới tính, sinh sản.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là giáo dục giới tính trong trường học vẫn còn chiếu lệ. Chưa kể, những kiến thức về cơ thể người, về phát triển sinh lý qua loa thông qua một số tiết học nhưng giáo viên cũng “né tránh” càng dễ làm học sinh hiểu không đến nơi đến chốn. Giáo dục giới tính chính là giáo dục nhân cách, người lớn không thể ngăn cấm những thứ thuộc về tự nhiên nhưng có thể giúp các em biết cách trì hoãn trước những cám dỗ, ham muốn. Phải nhìn nhận một thực tế, các em cần trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản sớm hơn, đầy đủ hơn. Nếu như để các em tự do bước vào ngưỡng cửa người lớn khi không có đủ những kiến thức cơ bản sẽ để lại hậu quả đau lòng. Đâu đấy, trong các bệnh viện, vẫn bắt gặp hình ảnh những bà mẹ lầm lũi chảy hết nước mắt dắt con gái tuổi học sinh đi “giải quyết hậu quả”, trong khi cô con gái vẫn “nhơn nhơn”… không hiểu gì.