CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:17

Giới trẻ không “quay lưng” với thời cuộc

 

Kiên quyết không nhờ người thân đi bầu cử hộ

Không ít người hoài nghi, giới trẻ không quan tâm đến những vấn đề chính trị, kinh tế xã hội. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, bằng sự hóm hỉnh, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khiến các bạn trẻ có những giây phút thú vị bằng những chia sẻ đậm chất thơ về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Giây phút thiêng liêng vô cùng, khi cầm lá phiếu đã chứng tỏ các bạn đã trưởng thành công dân,thực hiện các quyền công dân. Những câu hỏi rất hay các bạn gửi đến diễn đàn đối thoại hôm nay chứng tỏ các bạn không hề “quay lưng” lại với những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước. Tôi khẳng định các bạn trẻ rất quan tâm đến Quốc hội. Nếu không quan tâm đến Quốc hội thì các bạn chẳng bao giờ đến buổi đối thoại này. Khi ban tổ chức đưa ra các câu hỏi liên quan đến Quốc hội nhưng các bạn trẻ trả lời rất tốt, chứng tỏ các bạn trẻ rất quan tâm, theo dõi rất sát các kì họp của Quốc hội. Lá phiếu của các bạn trẻ quyết định đến các người được bầu làm đại biểu Quốc hội, cũng như chất lượng đại biểu Quốc hội”.

Các bạn trẻ sôi nổi trình bày ý kiến tại buổi đối thoại.

 

Sau khi được TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội giải thích về quyền lợi và tách nhiệm của cử tri tham gai bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, Trần Ngọc Việt Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kiên quyết không nhờ người thân đi bầu cử hộ. Việt Anh cho biết hiện rất hào hứng và hồi hộp chờ đến ngày đi bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Theo đó, Việt Anh sẽ dành nhiều thời gian tìm hiểu về những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, để từ đó có lựa chọn đúng đắn. “Tôi sẽ bỏ phiếu bầu ra những đại biểu cho lớp trẻ, thấu hiểu tiếng nói của học sinh, sinh viên. Từ đó, các đại biểu sẽ góp tiếng nói vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Mặt khác, họ cũng đề ra chủ trương, đường lối, chính sách thiết thực với người trẻ, giúp thanh niên có thêm nhiều cơ hội đóng góp trí tuệ và cống hiến sức trẻ và lập thân, lập nghiệp. Tôi sẽ đi bầu cử đúng quy định để tiết kiệm thời gian, kinh phí và giúp cho các tổ bầu cử đỡ vất vả. Tôi kiên quyết không nhờ người thân đi bầu cử hộ bởi mình muốn tự mình thực hiện nghĩa vụ công dân”, Việt Anh cho hay.

Việc làm là vấn đề quan tâm của thanh niên

Khi được nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng hỏi: “Là cử tri trẻ, bạn mong muốn Quốc hội quan tâm giải quyết vấn đề gì của thanh niên hiện nay”?  Vi Thị Hoa (sinh viên năm thứ 3, Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng: Giống như những bạn trẻ khác, Hoa đặc biệt quan tâm vấn đề việc làm. Vì vậy, mong muốn Quốc hội khóa 14 quan tâm nhiều hơn tới  hiệu quả hơn tới việc dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên, sinh viên. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng có nhiều quyết sách trong việc tạo nguồn vốn và giúp người trẻ tiếp cận nguồn vốn để lập nghiệp. Một vấn đề nữa là sân chơi lành mạnh cho giới trẻ hiện nay vừa thiếu vừa yếu. Điều đó dẫn tới nhiều những hệ lụy cho xã hội. Giới trẻ mong muốn Quốc hội sẽ dành những quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực này để góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam có tri thức, khỏe về thể chất, đẹp về tâm hồn…

Hương Lan, sinh viên Đại học Công đoàn cho biết: Năm nay là lần đầu tiên được cầm lá phiếu đi bầu cử đại biểu Quốc hội nhưng 5 năm sau Lan đủ tuổi để có thể ứng cử đại biểu Quốc hội. Nếu trở thành đại biểu Quốc hội thì việc làm đầu tiên của Lan là sẽ cũng các đại biểu khác bàn thảo để giải quyết các vấn đề bức xúc của hội hiện nay như: thực phẩm bẩn, việc làm cho người trẻ. Tổ chức các hội thảo,các buổi tọa đàm, chương trình giao lưu để người trẻ có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình…

Nguyễn Thị Minh Hiếu (lớp 12A1, trường THPT Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa tròn 18 tuổi và sắp tới,lần đầu tiên được đi bầu cử đại biểu Quốc hội. Minh Hiếu cho rằng: “Những người trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, đôi khi chưa quan tâm nhiều đến những sự kiện chính trị trọng đại của quốc gia. Tuy nhiên, khi bước vào cuộc sống của một người trưởng thành hiểu hơn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những người đi trước. Cuộc đối thoại tạo ra động lực lớn để mình thêm ý thức, trách nhiệm trước sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Song song với đó, mình  càng phải cố gắng tích cực hơn nữa trong học tập để hiện thực hóa ước mơ. Đó là sẽ thi đỗ vào trường Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành tiếng Anh để trở thành một biên dịch viên trong tương lai, chung tay xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh