CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:45

Giới trẻ dịch chuyển xã hội để tăng cơ hội việc làm, thu nhập

 

Oxfam đã cùng các cộng sự thực hiện nghiên cứu này trong vòng 2 năm (2016 - 2017). Nghiên cứu tổng hợp dữ liệu từ Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam và phỏng vấn gần 700 người dân tại 3 tỉnh: Lào Cai, Nghệ An, Đắk Nông. Bức tranh dịch chuyển xã hội tại Việt Nam được phân tích ở 3 khía cạnh: Ngành nghề, kỹ năng và thu nhập.

 

Người lao động dịch chuyển ra thành phố làm thời vụ.

Theo ông Hoàng Xuân Thành, trưởng nhóm nghiên cứu, tại Việt Nam, dịch chuyển ngành nghề chưa có nhiều biến động với 79% lao động nông nghiệp của năm 2004 vẫn tiếp tục làm nông nghiệp trong năm 2008; và 83% số lao động  nông nghiệp của năm 2010 vẫn tiếp tục làm nông nghiệp vào năm 2014. Mặc dù có định hướng, nỗ lực rõ về dịch chuyển cơ cấu lao động nông thôn, chỉ có dưới 8% số lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp hoặc dịch vụ. Đối với nhiều thanh niên có bằng cấp cao, bức tranh dịch chuyển nghề nghiệp cũng không rõ ràng do chưa tìm được việc làm phù hợp. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các bậc bố mẹ quan tâm nhiều đến tính ổn định về thu nhập và nghề nghiệp của con cái trong khi nhóm trẻ quan tâm nhiều đến cơ hội tìm kiếm việc làm để tăng thu nhập còn người dân tộc thiểu số có cách nhìn thiết thực về dịch chuyển xã hội.

“Tại các địa bàn khảo sát, nhiều thanh niên chỉ đi làm công nhân trong các công trình xây dựng trong các công ty may mặc, giày da, lắp ráp,…. Một thời gian rồi quay về làm nông nghiệp địa phương. Trong nhận thức của người dân, dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, từ lao động phổ thông/ truyền thống sang lao động có tay nghề thấp chưa hẳn là dịch chuyển đi lên. Vấn đề quan trọng này cần có giải pháp chính sách phù hợp trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tác cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Đồng thời gia tăng lực lượng lao động có kỹ năng trong thời gian tới”, ông Thành nhấn mạnh.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, dịch chuyển thu nhập trong thế hệ khá rõ nhưng đã chậm lại. Theo đó, có 45% hộ thuộc nhóm nghèo nhất của năm 2004 đã vươn lên các nhóm thu nhập cao hơn năm 2008, nhưng tỷ lệ này giảm xuống còn 37% giai đoạn 2010 – 2014. Và có 33% hộ thuộc nhóm nghèo nhất có chủ hộ dưới 30 tuổi đã vượt lên các nhóm có thu nhập cao hơn trong giai đoạn 2004 – 2008 nhưng giai đoạn 2010 – 2014 tỷ lệ này đã giảm xuống 16%. Dịch chuyển liên thế hệ về ngành nghề và kỹ năng của nữ giới cao hơn so với nam giới.

 

Người lao động hiện dịch chuyển xã hội không bền vững.

Ông Thành cho rằng, nghiên cứu cũng gợi mở hướng đi giảm nghèo, giảm nghèo đa chiều, giảm bất bình đẳng, phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai. Trình độ học vấn, địa vị kinh tế, xã hội của bố mẹ và năng lực đa dạng hóa sinh kế là 3 yếu tố cốt lõi thúc đẩy dịch chuyển xã hội ở Việt Nam. Người dân có niềm tin vào vai trò thúc đẩy của giáo dục đối với dịch chuyển xã hội. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục thấp lại là một rào cản của dịch chuyển xã hội, nhất là đối với những công việc đòi hỏi có kỹ năng. Các rào cản khác là sự phân biệt kỳ thị đối với người dân tộc thiểu số cũng như chênh lệch về tiếp cận giáo dục giư người nghèo và người giàu.

Dịch chuyển xã hội và bất bình đẳng có mối liên hệ và tác động qua lại. Bất bình đẳng về kinh tế có tỷ lệ nghịch với dịch chuyển xã hội. Tạo ra dịch chuyển xã hội vẫn tốt hơn. Vì thế, các vấn đề chính sách trọng tâm cần quan tâm trong thời gian quan đó là: Giáo dục đang thiể hiện vai trò tích cực đối với dịch chuyển nghề nghiệp và kỹ năng nhưng chênh lệch về tiếp cận giáo dục, chất lượng giáo dục và những rào cản trong việc đầu tư cho giáo dục thành cơ hội việc làm là bất lợi của nhóm nghèo trong dịch chuyển xã hội. Nông nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu nhập của nhiều hộ gia đình, đóng góp quan trọng đối với dịch chuyển thu nhập của hộ gia đỉnh ở các vùng dân tộc thiểu số.

Đi làm ăn xa trở thành chiến lược sinh kế ngắn hạn để gia tăng thu nhập. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để gắn di cư với dịch chuyển xã hội với kỹ năng. Xã hội hiện đại là xã hội tầng lớp lao động có kỹ năng chiếm đa số.

 Thanh niên là động lực của dịch chuyển xã hội nhưng đang gặp nhiều bất lợi. Việc tạo việc làm để lập nghiệp đối với thanh niên gặp nhiều thách thức nên cần có chính sách hỗ trợ về việc làm và lập nghiệp hiệu quả.

Để giảm nghèo và phát triển bền vững và bao trùm, chính sách giảm nghèo cần tăng cơ hội dịch chuyển đi lên về thu nhập, kỹ năng, nghề nghiệp đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh