THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:57

Đau xót những vụ cha mẹ giết con rồi tự tử

 

Con chết oan theo cha mẹ

Những ngày gần đây, dư luận trong tỉnh xôn xao trước thông tin anh Võ Thành Tâm (SN 1984, thôn Thanh Khê, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước) cùng con trai là Võ Thành Luân (SN 2013) chết trong tư thế treo cổ. Theo lời kể của anh Võ Văn Hương (SN 1974, anh trai của Tâm), ngày 24/4, anh Tâm đón con trai từ nhà cha mẹ vợ về nhà mẹ ruột chơi. Khoảng 20h ngày 25/4, anh Tâm bảo với mẹ là đi săn chim về nấu cho cháu Luân ăn. Đến khoảng 21h, anh Tâm quay về nhà và bế cháu Luân đi, tay cầm theo 1 chiếc ghế nhựa. Gia đình hỏi đi đâu thì Tâm trả lời đưa con đến quán nước gần nhà chơi. Khuya hôm đó không thấy anh Tâm trở về, gia đình nghĩ rằng anh ở lại nhà cha mẹ vợ nên không đi tìm. Đến chiều hôm sau chị Nguyễn Thị D. (SN 1995, vợ anh Tâm) đến tìm chồng con thì mọi người mới biết anh Tâm không về bên nhà vợ. Sau hơn 3 giờ đồng hồ tìm kiếm, gia đình phát hiện thi thể của anh Tâm và cháu Luân treo trên một cành cây tại Gò Tranh (cách nhà khoảng 500m). Trước khi tự tử, anh Tâm viết 3 bức thư để lại cho vợ, mẹ ruột và cha mẹ vợ.

 

Quyết định tự tử, anh Tâm đã để lại cho người thân nỗi đau không gì bù đắp.


 Trong 3 bức thư tuyệt mệnh, anh Tâm nêu rõ nguyên nhân khiến anh tự tử là do bị vợ phản bội. Thư gửi ba má vợ, có đoạn anh Tâm viết: “Con xin lỗi ba má nhưng con phải dẫn thằng cu theo vì nó rất quan trọng với con, để nó ở lại chỉ làm khổ nó mà thôi…”. Ông Nguyễn Võ Anh (SN 1961, cha vợ anh Tâm) cho biết, Tâm vốn là bạn vong niên của ông trước đây, hai nhà ở cùng thôn. Từ chỗ gần gũi lâu ngày, Tâm đem lòng yêu thương D., con gái út của ông. Kết quả mối quan hệ này là một bé trai kháu khỉnh ra đời đầu năm 2013. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, không lâu sau ngày cưới, hai vợ chồng Tâm thường xuyên mâu thuẫn với nhau. Không chỉ ông Anh, gia đình anh Tâm và cả hàng xóm đều biết rõ chuyện “cơm không lành canh không ngọt” của đôi vợ chồng này. Tuy nhiên, không ai ngờ rằng Tâm sẽ tự tử và đưa cả đứa con nhỏ về thế giới bên kia.

Cách đây không lâu, tại huyện Phú Ninh cũng đã xảy ra một trường hợp tự tử cùng con ruột. Khoảng 15h30 ngày 24/3/2013, chị Giang Thị Mỹ Diệu (SN 1987, thôn Phước Bắc, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) dùng dây buộc tay 2 con nhỏ (bé gái 2 tuổi và bé trai 1 tuổi) vào người rồi trầm mình xuống hồ Phú Ninh. Trước đó, chị Diệu đã để lại thư tuyệt mệnh nói về sự bế tắc trong mối quan hệ vợ chồng. Ông Đỗ Quang Trung (SN 1963, thôn Long Sơn, xã Tam Đại, Phú Ninh), người trực tiếp vớt thi thể các nạn nhân cho biết, ông bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh chị Diệu chết trong tư thế ôm chặt đứa con nhỏ vào lòng. Tại hiện trường bờ hồ, bên cạnh đồ dùng của mẹ con chị Diệu còn có một vỏ bao bánh. Ông Trung nhận định, trước khi chết, chị Diệu đã mua bánh cho hai cháu bé ăn, chứng tỏ chị rất thương yêu các con. Vậy mà, người mẹ lại nhẫn tâm kết liễu cuộc đời của những đứa trẻ này…

Cần biết cách hóa giải mâu thuẫn  

Nhiều người tỏ ra cảm thông với hành động nông nổi của Võ Thành Tâm và Giang Thị Mỹ Diệu, bởi nạn nhân đã bế tắc trong việc giải quyết mâu thuẫn gia đình. Khi không vượt qua được khó khăn trong cuộc sống, họ đã nghĩ cái chết là sự giải thoát. Rồi họ áp đặt sự quẫn bách của đời mình lên những đứa con vô tội. Họ cho rằng, nếu mình chết đi con sẽ rất khổ, không có chỗ bấu víu. Đặc biệt, họ sợ nếu chồng (vợ) tái giá thì con sẽ không được yêu thương... Nhưng dù bất cứ lý do gì thì việc sát hại những đứa con của mình là điều không thể chấp nhận được và bị pháp luật nghiêm cấm. Những đứa trẻ thơ kia vô tội, không ai, kể cả bậc sinh thành cũng không được tước đoạt quyền sống của các em.  

Theo các chuyên gia tâm lý, mâu thuẫn vợ chồng là chuyện thường tình và hầu như ai cũng trải qua. Để tránh lâm vào cảnh bế tắc, mỗi người cần phải học cách hóa giải mâu thuẫn. Khi xảy ra bất đồng, nên thẳng thắn bày tỏ quan điểm để điều chỉnh, dung hòa. Nếu đã cố gắng hết sức mà không thể cải thiện được thì không nên tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân đó. Ly hôn là điều không dễ dàng chấp nhận nhưng trong nhiều trường hợp đó lại là cách tốt nhất vì bản thân mỗi người còn phải có trách nhiệm với những người khác. Trong những trường hợp này, rất cần sự quan tâm sẻ chia của người thân trong gia đình. Nếu được an ủi, động viên hay có lời phân tích sâu sắc, người bị khủng hoảng tâm lý có thể sẽ nhận ra được giá trị của cuộc sống và sẽ không xảy ra những cái chết sai lầm, gây nỗi đau vô tận cho người thân.

Phương Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh