Giấy phép con "hành" giáo viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sửa các quy định
- Giáo dục nghề nghiệp
- 01:15 - 15/11/2019
Những ngày qua, Laodong.vn đã đăng tải loạt bài: Giấy phép con "hành" giáo viên", bóc trần những chiêu trò, vấn nạn học giả, chứng chỉ thật trong việc cấp phát chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của các cơ sở giáo dục. Loạt bài cũng miêu tả thực trạng nhiều viên chức, giáo viên vùng cao phải vay tiền ngân hàng để đi thi chứng chỉ gian lận, cốt hoàn thiện hồ sơ thăng hạng viên chức. Giáo viên gọi đây là những "giấy phép con" và kiến nghị cần bỏ các quy định về chứng chỉ.
Trước thực trạng báo nêu, trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ngành liên quan cần rà soát các quy định về văn bằng, chứng chỉ trong thăng hạng, nâng ngạch, những quy định nào không phù hợp thì cần loại bỏ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng đưa ra cam kết sẽ sửa quy định về chứng chỉ.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sau khi loạt bài "Giấy phép con hành giáo viên", "Giáo viên vay tiền ngân hàng, ngập trong nợ để dự kỳ thi chứng chỉ gian lận" đăng tải trên Laodong.vn, các đơn vị của Bộ đã vào cuộc, làm rõ vấn đề báo nêu.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, quan điểm của Bộ là không nên "hành" giáo viên bằng những quy định không cần thiết. "Những quy định về chứng chỉ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo tự quy định mà nằm trong Luật Viên chức, quy định không riêng cho ngành giáo dục. Năm 2015, liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23, 24/2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Lúc đó, chúng tôi tính đến chuyện lấy kết quả chuẩn đầu ra ngoại ngữ khi giáo viên học trong trường đại học, cao đẳng để tính tương đương. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên có người đã ra trường mấy chục năm nay, thời đó chưa có chuẩn đầu ra. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu, tính toán để đưa ra các quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng (trong đó có yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học) phù hợp với thực trạng đội ngũ", ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Liên quan đến vấn đề trên, tâm sự với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Mến (Hưng Yên) đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Cô Mến nói: "Những giáo viên như chúng tôi muốn đứng được trên bục giảng phải được đào tạo và trải qua rất nhiều kỳ thi. Đầu tiên là 3 - 4 năm đào tạo trong các trường cao đẳng, đại học. Sau đó, chúng tôi phải trải qua kỳ thi viên chức với các phần thi vấn đáp về luật, bài thi kiến thức chuyên môn, thi soạn giáo án, giảng bài. Như vậy để có thể đứng được trên bục giảng người giáo viên đã được đào tạo, được công nhận và trải qua các kỳ thi chuyên môn. Tuy nhiên, mỗi năm giáo viên lại bị yêu cầu thêm đủ loại giấy tờ, chứng chỉ. Tôi trộm nghĩ có phải các cơ quan đang làm khó chúng tôi hay không?".
Lý giải về điều này, cô Mến cho biết: "Tôi nghĩ rằng, những thành tích cũng như năng lực của chúng tôi đã được khẳng định trên bục giảng bằng kết quả học tập của học sinh, bằng các giải thưởng, bằng cấp. Liệu chúng tôi có phải đánh giá lại mình có đủ năng lực dạy dỗ học trò khi thiếu chứng chỉ hay không? Những loại chứng chỉ ấy có ý nghĩa như thế nào đến chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên hay chỉ để làm đẹp hồ sơ".