Giáp mặt “ông trùm” mạng lưới vận chuyển lợn chết về Thủ đô
- Dược liệu
- 23:07 - 07/05/2016
Ông trùm thu gom lợn chết Hải “quạ” đang trao đổi với đầu mối tiêu thụ lợn dưới xuôi.
Kiếm bạc triệu từ lợn chết
Thật bất ngờ khi một đồ tể từng thu gom lợn chết ở Hà Nội bật mí “ngoài chợ đầy rẫy thịt lợn chết. Để kiếm lời, không ít người lên cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) đấu mối, lấy lợn chết về bán”. Tại thủ phủ lợn chết đó, người ta nhắc nhiều đến ông trùm chuyên thu gom tên Hải “quạ”.
Không phải tự dưng người ta thêm cho y cái từ “quạ”. Có người bảo: Thằng Hải “quạ” thì ai cũng biết. Hải “quạ” là kẻ chuyên mua lợn chết, cái “nghề” đó ông ta làm hàng chục năm nay rồi. Số điện thoại ông ta được dán ở khắp các điểm “tân trang” cho lợn.
Đúng như lời đồn, “nghề” thu gom lợn chết đã làm nên tên tuổi, sự giàu sang của Hải. Bà chủ chuyên bán cơm cho cánh xe tải chở lợn cho biết: “Ngày nào chả có lợn chết hở chú. Trên này có thằng Hải “quạ”, nó kiếm bạc triệu mỗi ngày từ cái nghề ấy đấy”. Theo đó, cứ mỗi buổi chiều, xe tải chở lợn lại nối đuôi nhau kìn kìn tiến vào cửa khẩu. Mỗi điểm tập kết người ta đều đào giao thông hào, sâu ngang ngực người và rào dậu cẩn thận. Xe đến điểm tập kết, lợn trên xe được lùa xuống và cứ theo những giao thông hào ấy mà bò ngược núi xuyên biên giới. Chỉ những con lợn khỏe khoắn, trường sức mới có thể vượt qua được “cửa ải” này. Con nào bị nhồi no, hoặc có “chất lạ” không thể lết qua, thậm chí bỏ mạng giữa đường. Như vậy, bên kia đương nhiên là không mua nữa.
Lò mổ lợn chết của Hải “quạ” nằm ngay trung tâm chợ Lộc Bình, những con lợn chết này sẽ được chuyển xuống các chợ dưới Hà Nội.
Theo quy định thì lợn chết hay còn gọi là lợn “quay đầu” bắt buộc phải tiêu huỷ. Thế nhưng, lái buôn tiếc công sức nên gọi Hải “quạ”. Mỗi con lợn chết nặng cả tạ được Hải mua với giá 500 - 600 nghìn đồng, thậm chí ngày đông xe chỉ còn 200 -300 nghìn đồng. Cơ hội hái ra tiền của Hải là ở đấy.
Giáp mặt ông trùm lợn chết
Qua điện thoại, Hải mời chúng tôi đến nhà ở thị trấn Lộc Bình.
Nghe chúng tôi nói về việc mua lợn chết, Hải “quạ” nói luôn: “Mua lợn chết thì chỉ có tôi là số một ở đất này. Nhiều đầu mối trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Hà Nội, Hà Nam vẫn lấy hàng của tôi. Lát nữa có xe vào lấy lợn xuống Hà Nội đấy”. Vừa nói Hải “quạ” vừa tìm cuốn sổ khoe danh sách khách hàng của mình. Hải bảo, vài năm nay việc làm ăn lên như “diều gặp gió” bởi lợn từ khắp nơi tụ về cửa khẩu nhiều. Gì chứ vài ngày một tấn thì lúc nào cũng ok. Hỏi sâu hơn về chất lượng thịt, Hải bảo “lô hàng mà xuất đi có lẫn lộn cả lợn vừa mới chết và chết đã lâu. Con mới chết thì thịt nó còn đỏ, con chết lâu thì thịt nó đã trắng ra rồi. Lợn vừa chết thì ăn vô tư, còn lợn chết lâu rồi thì cũng… hơi có mùi một tí. Song cứ yên tâm mà đánh chén, ăn không chết được đâu!”. Nói xong, ông trùm mách nước luôn: “Chả việc gì. Cần thiết thì cho thêm tí chất khử mùi là xong ngay, loại này họ bán đầy ấy mà”.
Thấy chúng tôi vẫn còn băn khoăn về chất lượng của thịt siêu rẻ, “ông trùm lợn chết” bồi thêm: “Anh ở đây làm bao nhiêu năm, có uy tín rồi. Các chú cứ yên tâm, hàng của anh là hàng đảm bảo. Không tin lát nữa anh đưa các chú xuống lò xem”. Nghe Hải “quạ” nói vậy, chúng tôi gật gù tỏ ý muốn xem hàng trước khi đưa ra quyết định. Có lẽ Hải “quạ” đã quá quen thuộc và thông thạo với cách làm ăn này nên y không tỏ vẻ nghi ngờ. Nói rồi y nhảy lên xe dẫn chúng tôi đi thăm lò mổ.
Lò mổ của Hải là ngôi nhà cấp 4, cũng ở ngay chợ Lộc Bình, cách nhà y chừng vài trăm mét, nhưng phải đi lòng vòng. Ngôi nhà luôn cửa đóng then cài và do một chiến hữu thân tín của ông trùm này trông coi. Nếu không có cái mùi khó chịu bốc lên nồng nặc thì thoảng qua, không ai có thể biết ngôi nhà đó lại là nơi Hải “quạ” sơ chế lợn chết và cũng là kho đông lạnh để giữ hàng. Trong nhà là chục cái tủ cấp đông to bổ chảng. Hải “quạ” bảo, mấy chiếc tủ ấy để chuyên trữ thịt khi chưa kịp chuyển đi cho khách.
Lợn chuẩn bị xuyên biên, những con chết sẽ được các ông trùm mua lại.
“Bọn anh làm ăn chuyên nghiệp, hàng về đến đâu là chuyển ra xe đưa đi đến đấy. Cũng có nhiều hôm lợn chết nhiều, không bán hết thì phải trữ lại chờ hôm sau thôi”, vừa mở một nắp tủ, Hải “quạ” vừa giải thích. “Đấy, hàng thế này thì có vấn đề gì đâu, để vài năm còn được nữa là”, vừa nói, Hải vừa nhấc trong tủ ra những tảng thịt đông cứng to như cái nồi cơm điện rồi quẳng bôm bốp xuống sân. Ông trùm này giới thiệu thêm: “Làm bếp người ta khác biết chế biến, loại nào phù hợp với món gì, cứ yên tâm đi. Mà nói chung tiền nào của đấy cả thôi”. Bê ra một bọc thịt đã thái thành những miếng nhỏ cỡ hai đầu ngón tay, Hải “quạ” giới thiệu đó là thịt phục vụ cho những cửa hàng bún chả. Hải “quạ” cười khoái trá nói: “Cứ tẩm ướp rồi nướng thơm lừng, đố ai biết được mình đang chén cái gì”.
Lợn chết dễ dàng về xuôi
Trưa ấy, khi đang thao thao chào hàng lợn chết siêu rẻ với chúng tôi, thì Hải “quạ” có điện thoại. Nghe xong, ông trùm này bảo: “Lại có người gọi đi lấy hàng. Chết 3 con”. Vừa nói Hải “quạ” vừa nhảy phốc lên chiếc xe tải nhỏ, chiếc xe mà ông trùm này chuyên dùng để đưa lợn chết từ cửa khẩu về lò giết mổ. Đúng nửa tiếng sau, Hải “quạ” lùi xe vào vừa che kín cổng. 3 con lợn nằm bất động được Hải “quạ” cùng cộng sự lôi tuột xuống xe. Những con dao bầu sắc lẹm loa lóa vung lên. Chỉ vài phút thì ba con lợn mỗi con nặng hơn tạ đã bị phanh thây, ruột gan phèo phổi được ném ra một góc.
Hải “quạ” bảo mấy con lợn này vừa chết nhưng lòng mề đã trương cứng, bốc mùi khó chịu. Thấy vẻ khó chịu của chúng tôi, Hải “quạ” ra hiệu cho gã trợ thủ mặt lạnh như đít bom gom hết những chỗ bầy nhầy ấy vào bao trừ tim, gan, phổi. “Làm giữa chợ thế này, anh không sợ người ta kiểm tra à?. Em còn e dè chỗ thị trường và thú y lắm”, tôi vờ hỏi vu vơ. Cùng cái hất hàm, tặc lưỡi, Hải bảo: “Anh làm bao nhiêu năm rồi, ở đây ai chẳng biết. Mình có ăn được một mình đâu em, ai cũng có phần cả đấy!”. Rồi tiếp tục chia sẻ: “Yên tâm, xe họ chở họ cũng lo “thủ tục” hết rồi, không sợ đâu. Có lo được hết anh mới dám làm ăn chứ ai dại gì, anh chuyển về xuôi có hàng trăm tấn rồi ý chứ, dễ ợt mà”. “Nếu lấy hàng ở đây thì anh bán cho chú, đổ đồng là 30 nghìn đồng/kg. Còn về Hà Nội thì 35 nghìn đồng, hộp xốp đóng hàng anh chịu, cước xe các chú chịu”, Hải buông lời thoả thuận.
Tưởng giá đó đã là siêu rẻ nhưng khi tiếp cận một ông trùm khác tên là Thành, giá cả còn giật mình hơn. Mối này do Thành lợn chết đảm trách. Được biết, Thành không những thu mua và phân phối lợn chết ở Lạng Sơn mà cả ở Cao Bằng, rồi cửa khẩu Móng Cái, Bình Liêu (Quảng Ninh). Ông trùm này cũng có chân rết hoạt động mạnh với “vòi bạch tuộc” về tận Bắc Giang, Hà Nội, Hà Nam. Khi biết tôi đã từng đặt vấn đề mua hàng của Hải “quạ” với giá 35 nghìn đồng/kg, Thành bảo, giá đó quá “chát”. Nếu mua của Thành giá chỉ 28 nghìn đồng/kg. Thành cho biết, hiện anh ta đang đánh hàng đi Hải Phòng. Lâu nay hàng của anh cũng có mặt đầy rẫy trong các khu công nghiệp từ Bắc Giang, Bắc Ninh cho đến Hà Nội.
Những ngày sau đó, có lẽ nghĩ chúng tôi là mối làm ăn tốt nên Hải và Thành đã rất sốt sắng và liên tục giục chúng tôi lên cửa khẩu để tính chuyện làm ăn như hàng chục đầu mối khác đang hoạt động!
Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn, tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2016, Chi cục đã làm công tác kiểm dịch cho khoảng 1400 xe tải chở lợn xuất qua biên giới. Ông cũng thừa nhận có việc lợn chết được những người hám lợi cố tình tuồn ra thị trường. Tuy nhiên, hiện việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn bởi phải phối hợp với nhiều ngành chức năng. Cũng thế, từ đầu năm tới nay, chi cục và các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn mới chỉ xử lý 3 vụ việc liên quan đến chuyện “lợn quay đầu”. Cũng theo ông Hùng, “đối với lợn chết, bắt buộc phải tiêu huỷ. Sử dụng loại thịt lợn này là vô cùng nguy hiểm. Pháp luật cấm tuyệt đối”. |