Giáo viên nước ngoài chia sẻ cảm xúc ngày 20/11
- Giáo dục nghề nghiệp
- 22:42 - 20/11/2019
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, từng học ở Pháp và Anh, thầy Dustin chưa thấy nước nào có ngày tri ân giáo viên được tổ chức long trọng và dành sự tôn trọng cho giáo viên nhiều như ở Việt Nam. Ví dụ ở Mỹ, giáo viên đang không thực sự được tôn trọng, thường xuyên xuống đường biểu tình đòi mức lương cao hơn và được cung cấp nhiều vật tư hơn. Thầy Dustin cảm thấy may mắn khi trở thành giáo viên, có những trải nghiệm tuyệt vời khi ở Việt Nam.
Thầy Dustin kể đã nuôi giấc mơ trở thành giáo viên từ khi còn học THPT ở Pháp. Lúc đó, thầy gặp nhiều khó khăn khi là người Mỹ học bằng tiếng Pháp. Giáo viên thường xuyên cáu bẳn với Dustin và hoàn toàn không hiểu học sinh. Một số khác tỏ ra nghiêm khắc, có những bài giảng nhàm chán.
Tuy nhiên, sau đó Dustin cũng gặp được giáo viên truyền cảm hứng, người giúp thầy thay đổi nhiều trong việc học và giúp cuộc sống học đường trở nên tốt hơn. Từ đó, Dustin hiểu rằng một giáo viên tốt có thể thay đổi cách nghĩ của học trò, còn một giáo viên kém cỏi chỉ dạy kiến thức mà không thực sự giúp trò có hứng thú học tập. Dustin muốn trở thành giáo viên tốt để giúp học sinh có những trải nghiệm tốt như anh từng được như vậy.
Từ năm 18 tuổi, Dustin đã làm việc với những thanh thiếu niên ở chương trình sau giờ học tại Pháp. Sang Việt Nam năm 2013, có chứng chỉ dạy tiếng Anh, Dustin làm việc tại một số trung tâm tiếng Anh và một vài trường đại học theo dạng bán thời gian. Làm việc ở trường Olympia hai năm sau đó là công việc toàn thời gian đầu tiên của thầy.
Được làm việc với những học sinh lớp 7-8, Dustin hiểu rằng công việc của mình rất khó khăn. "Tôi luôn muốn hình thành mối quan hệ tốt đẹp với học sinh ở độ tuổi chuyển từ trẻ con thành người trưởng thành. Tôi nghĩ việc giáo viên có thể hiểu học sinh cấp hai là rất quan trọng", thầy Dustin nói.
Thầy Dustin luôn tự hào mỗi khi giúp học trò hoàn thành một dự án, thấy các em trưởng thành sau bốn năm học THCS và vẫn nhớ bài giảng của mình. Dịp 20/11 năm ngoái, thầy được một nữ sinh tặng cuốn sách với lời nhắn "Thầy hãy đọc cuốn sách này khi nghỉ hè. Cám ơn vì thầy đã dạy em yêu thích việc đọc".
"Lúc đó, cảm xúc trong tôi rất đặc biệt. Tôi thấy thật tuyệt vì đã giúp cô bé yêu đọc sách hơn, bởi việc đọc sách rất quan trọng và khi đọc học sinh sẽ không cần làm những bài tập ngữ pháp nữa. Đó là món quà ý nghĩa mà tôi sẽ nhớ mãi", thầy Dustin nói. Với thầy giáo 9X, 20/11 thực sự có ý nghĩa lớn và là cơ hội để học sinh đặt mình vào vị trí của giáo viên, hiểu và trân trọng thầy cô hơn.
Cũng làm việc tại trường Olympia, thầy Leonid Kanev (thường được gọi là Leo, đến từ Litva) lần đầu tiên được đón 20/11 ở trường. Chiều 18/11, sau khi xem buổi nhạc kịch do học sinh khối 12 biểu diễn, trong đó có tiết mục chế nhạc vinh danh giáo viên với hình ảnh đáng yêu của thầy cô, thầy Leo chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự lễ kỷ niệm ấn tượng và ý nghĩa như thế này nhân ngày tôn vinh nhà giáo".
Trước khi dạy ở Olympia, Leo từng có thời gian làm việc bán thời gian ở một trung tâm tiếng Anh nổi tiếng ở Hà Nội. Phụ trách lớp người lớn, thầy được tặng rượu, thậm chí là tiền thay vì những món quà như hoa, thiệp hay vở nhạc kịch trong trường học. Với Leo, dù dưới hình thức nào, được tặng quà là hạnh phúc.
Thầy Leo cho biết lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo ở Việt Nam khá giống với ở quê hương Litva của thầy. Tuy nhiên, ở Litva, học sinh thường tri ân giáo viên vào ngày 1/9 - ngày đầu tiên của năm học mới. Vào ngày Nhà giáo thế giới 5/10, một số hoạt động được tổ chức như hòa nhạc hay nhạc kịch. Còn ở Anh, nơi thầy từng làm việc 6 năm trong vai trò quản lý khách sạn, thầy thấy nhiều thầy cô đến nhà hàng trong khách sạn để ăn uống nhân ngày Nhà giáo thế giới 5/10.
Có phần giống nhau, nhưng chỉ khi tới Việt Nam, thầy Leo mới cảm nhận rõ ý nghĩa của ngày Nhà giáo và cảm thấy được tôn vinh bởi ở Litva hay ở Anh, Leo chưa từng làm giáo viên.
Hiện, Leo rất hạnh phúc khi được dạy học ở Việt Nam, được nhìn thấy sự trưởng thành của học sinh. "Với nghề giáo, tôi hiểu mình phải kết nối với học sinh và phụ huynh, tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng. Tuy nhiên, mọi khó khăn đều là trải nghiệm quý giá", thầy Leo nói.
Tại trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring (Hà Nội), thầy Aaron Burns (28 tuổi, đến từ Ireland) nhớ lại lần đầu tiên đón ngày Nhà giáo Việt Nam. 20/11 cách đây năm năm, thầy Aaron cảm thấy bối rối và lạ lẫm bởi ở quê hương Ireland, mọi người biết 5/10 là ngày Nhà giáo thế giới nhưng không tổ chức kỷ niệm hay tặng quà gì dù người dân rất tôn trọng giáo viên.
"Tôi được học trò tặng một chiếc cà vạt và cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó", thầy Aaron kể. Năm nay, thầy giáo người Ireland rất ấn tượng với lễ kỷ niệm ở trường Wellspring khi có đại diện phụ huynh phát biểu và nói lời cảm ơn, sau đó mọi người cùng nhau hát các bài tri ân thầy cô.
"Tôi cho rằng việc có ngày nhà giáo trong năm rất cần thiết nhưng không vì thế mà ngày thường chúng ta không thể hiện sự trân trọng với các thầy cô", thầy Aaron nói.
Cũng đến từ Ireland, thầy David Holland (27 tuổi), trưởng bộ môn Science hệ THCS của trường Wellspring đã có lần thứ ba đón ngày Nhà giáo Việt Nam. Dịp 20/11/2017, thầy mới đi dạy bán thời gian tại hệ THPT của trường Wellspring được một tuần và thấy lạ lẫm khi học sinh, phụ huynh mang hoa, quà đến tặng. "Lúc học trò đưa quà, tôi hoảng hốt, liên tiếp nói không và từ chối", thầy David nhớ lại.
Sau khi được học sinh và đồng nghiệp giải thích về ý nghĩa và việc mọi người thường làm trong ngày 20/11, thầy David mới vui vẻ nhận món quà là một chiếc cốc, giữ gìn đến tận bây giờ.
Chia sẻ về ngày Nhà giáo Việt Nam đáng nhớ nhất, thầy David nhớ về ngày 20/11 năm ngoái. "Học sinh tổ chức cuộc thi và tự đặt các danh hiệu cho thầy cô. Tôi và thầy Liam đang uống cà phê thì các em chạy đến và trao giải Cặp đôi đẹp nhất cho hai thầy giáo", thầy David kể.
Ở Ireland, học sinh thường chỉ tặng quà giáo viên vào khoảng cuối tháng 6, ngày kết thúc năm học, cho rằng đó là một dịp để chia tay và tri ân giáo viên chứ không có một ngày lễ được cả nước tổ chức.
Thầy cho rằng mỗi quốc gia đều nên có một ngày kỷ niệm, tôn vinh thầy cô bởi đây cơ hội để thầy gần gũi với học sinh như những người bạn, hiểu và tương tác nhiều hơn với đồng nghiệp vốn không nhiều dịp nói chuyện.
Đón ngày Nhà giáo Việt Nam lần thứ ba, thầy David muốn dành lời cảm ơn đến học trò và đồng nghiệp, những người giúp đỡ thầy nâng cao chuyên môn, cảm thấy hạnh phúc với công việc giảng dạy hơn.