THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:10

Giáo viên lo bị phạt mà... “kệ” học sinh

 

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến. (Ảnh minh họa).

 

Phạt thầy cô, học sinh cá biệt sẽ càng hư?

Cô Nguyễn Tuyết Thanh, giáo viên trường THCS (Long Biên, Hà Nội) băn khoăn với các khái niệm trong nghị định: “Tiền đưa ra phạt là con số cụ thể nhưng sẽ xác định thế nào hành vi là xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người học. Nếu chỉ một câu nói xúc phạm học sinh mà mất tới 5 - 7 tháng thu nhập của giáo viên thì ai dám đi dạy". Cô Thanh cho rằng, quy định của Nghị định này chỉ phù hợp với ở trường mầm non, nhất là trường tư thục, khi học sinh còn bé, non nớt, có thể hạn chế các vụ bạo lực học.

Thầy Đ.C.T, giáo viên trường THCS tại Hà Nội nhận định: "Lương giáo viên không cao, có thể nói là thấp so với nhiều nghề khác. Việc xử phạt hành chính liệu có làm cho các thầy, cô thêm yêu nghề hơn không? Chưa kể tới việc trong quá trình tiếp xúc với học sinh, giáo viên lỡ kéo tai học sinh có thể bị quy tội đánh học sinh và bị phạt 20 - 30 triệu đồng, rồi phải công khai xin lỗi học sinh, thậm chí bị đình chỉ công tác. Quy định này chắc chắn khiến nhiều giáo viên “kệ” học sinh cá biệt để không bị phạt. Tôi nghĩ, cần xét tính chất cụ thể của từng sự việc, không thể đánh đồng để xử phạt".

Nhiều giáo viên khác cho biết, bản thân các thầy cô thấy Dự thảo là cần thiết, tuy nhiên cần bàn thảo kỹ. Nên nhớ, ở môi trường giáo dục thì quan trọng nhất là mục tiêu giáo dục.

Bên cạnh những băn khoăn của giáo viên về Dự thảo, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, quy định xử phạt này có thể làm ảnh hưởng tới mối quan hệ khăng khít giữa thầy và trò. "Dự thảo nghị định kể trên của Bộ GD&ĐT có lẽ xuất phát từ nhiều vụ việc gần đây khi người thầy đã vượt quá vị trí của mình trong trường học mà xúc phạm, đánh đập học sinh. Tôi ủng hộ có những chế tài cụ thể đối với các hành vi xâm hại về mặt thân thể của học sinh. Nhưng điều này cần phải có lộ trình và được nghiên cứu cụ thể để có những quy định đúng đắn. Liệu các thầy, cô có e ngại khi tiếp xúc với học sinh khi nghị định này chính thức được ban hành hay không?", chị Thủy, có con học ở Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Có nên dùng tiền để “cảnh cáo” giáo viên?

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, quy định phạt thế này trong môi trường giáo dục là quá cao. “Mức độ phạt chỉ nên ở mức người ta chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Môi trường giáo dục phải có cách khác để xử phạt”, TS Tùng Lâm nhấn mạnh.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, ông vẫn ủng hộ mức phạt bình thường như hiện nay vẫn áp dụng ở các nhà trường. Tuy nhiên, có thể quy định rõ hơn là nếu thấy vi phạm quá mức thì phải đưa sang cơ quan pháp luật xử lý chứ không để các trường tự ý xử lý.

 

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.


GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam tỏ ra khó hiểu khi Bộ GD&ĐT đưa ra quy định phạt tiền các vấn đề liên quan đến đạo đức nhà giáo. “Có nhiều hình thức để giải quyết nhưng không hiểu sao Bộ GD&ĐT lại nghĩ ra cách phạt tiền, có vẻ “sưu cao thuế nặng”. Tôi không hiểu sao lại nghĩ ra cách đối xử với nhà giáo bằng cách phạt tiền”.

GS Phạm Tất Dong cho rằng, những vụ việc giáo viên đánh học sinh chỉ là hãn hữu, cá biệt. Không thể vì các hiện tượng này mà đưa ra các quy định phạt tiền. Nếu ứng xử với các giáo viên không đúng, dễ gây ra mặc cảm với giáo viên. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có thể đuổi việc, cắt hợp đồng, thậm chí cho ra khỏi ngành; những trường hợp vi phạm lần đầu, không quá nghiêm trọng có thể phạt cảnh cáo, khiển trách. Ngoài ra, GS Dong cho rằng, hầu hết các địa phương hiện nay đều đang gặp phải tình trạng quá tải lớp học, áp lực sĩ số đè nặng lên giáo viên. Nếu làm không tốt sẽ dễ nảy sinh ra sự tâm lý ức chế, “mặc kệ” của giáo viên, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học trong nhà trường.

 

Dự thảo có nhiều điều quy định về việc phạt hành chính đối với các hành vi không đúng "chuẩn" của giáo viên đối với học sinh. Cụ thể: Trường hợp vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học: Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học; đồng thời, buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định. Phạt tiền từ 20 đến 30 triêụ đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Ngoài ra, sẽ đình chỉ giảng dạy từ 1 đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trên.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh